LTS: Tiếp tục vệt bài giới thiệu các tác phẩm vừa đoạt giải cao trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, số báo này, NB & CL xin trích giới thiệu bài viết “Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Bích Sương, Nguyễn Bá Phúc, Cao Thị Thu Hà, Bùi Thị Hải Yến, Dương Văn Lực- Báo Bình Định. Bài viết đoạt giải C cụm tác phẩm báo in, trong cuộc vận động. | |
Vì lợi ích chung Ông Cao Minh Thi- Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ (TP. Quy Nhơn), hồ hởi cho biết, tuy mới bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng NTM, nhưng người dân trong xã đã đồng loạt hiến gần 10.000m2 đất ruộng, vườn để làm đường giao thông. Có được kết quả như vậy, là nhờ ngay từ đầu, xã xác định công tác dân vận phải đóng vai trò tiên phong, bởi nếu người dân không đồng lòng ủng hộ thì chương trình khó mà thành công. Xã đã tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương xây dựng NTM, phân tích cho bà con thấy được những lợi ích cho tập thể và cá nhân từ chủ trương này. Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng có thể vì lợi chung mà mạnh dạn bỏ lợi riêng. Ban Quản lý xây dựng NTM của xã một mặt nhờ người thân tác động thêm, một mặt tranh thủ sự đồng tình của người lớn tuổi, “lấy đa số thuyết phục thiểu số” trong các cuộc họp ở thôn. “Những ý kiến thiểu số ban đầu không tán thành, nhưng rồi cùng với sự động viên của cán bộ, chính những người đồng ý đã tham gia thuyết phục để tất cả cùng ủng hộ chủ trương chung… Nhìn ở khía cạnh nào đó, sẽ thấy chuyện làm đường đang gia cường khối đoàn kết toàn dân, tăng cường các mối quan hệ tình làng nghĩa xóm…”, ông Thi nói. Ông Lê Văn Ngọc- Chủ tịch UBND xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn)- cũng kể, ngay sau khi nhận được kế hoạch làm đường giao thông nông thôn, Đảng ủy - UBND xã đã tổ chức họp bàn, triển khai nhiệm vụ đến các chi bộ, đồng thời mỗi thôn thành lập một ban tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm đường. Công tác vận động được thực hiện một cách dân chủ, “mưa dầm thấm lâu”, làm sao cho người dân thấy hết lợi ích của việc làm đường. Dù xã không chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng nhưng vẫn ghi nhận sự ủng hộ của người dân bằng cách thống kê giá trị tài sản đất và công trình trên đất của các hộ dân hiến cho việc làm đường, đồng thời ghi danh họ vào sổ để biểu dương trong phong trào xây dựng NTM. Với cách làm tương tự như trên, nhiều địa phương trong tỉnh đã tranh thủ được sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Bởi thực ra, đa số người dân không tính toán chi li khi họ biết chắc rằng sự đóng góp của mình là vì lợi ích chung, trong đó có chính gia đình mình và con cháu mình trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Giữ (64 tuổi, thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn)- người đã tự nguyện hiến 100m2 đất vườn và hơn 10 cây dừa để xã mở rộng, xây dựng tuyến đường bê tông từ thôn Tăng Long 2 đến giáp với tuyến đường bê tông liên xã của xã Hoài Thanh- vui vẻ nói: “Thiệt hại trước mắt của việc mở rộng đường là bị mất đất, mất cây ăn trái nhưng đổi lại về lâu dài, mình được đi trên những con đường rộng rãi, sạch sẽ. Nhận thức được điều này nên không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác ở trong thôn cũng vui vẻ hiến đất, hiến cây để làm đường”. Hay như hộ ông Hồ Ngọc Thanh ở thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), nhà có 3 sào ruộng (1.500m2), ông hiến 90m2 để làm đường, thanh thản tính: “Hiến 90m2 đất, tính ra mỗi năm tui mất 3 bao lúa, tổng cộng gần 200kg. Nhưng nếu mình không hiến đất thì không đủ 3m bề ngang, làm sao làm đường được!”. Còn bà Nguyễn Thị Phải, thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), khi biết đường lớn được mở, nhà mình phải mất 124m2 đất và lùm tre to ở ngay bờ ruộng, đã bật khóc. Bà Phải khóc bởi gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, giờ mất đi một phần miếng ruộng, rồi lại lo tiền đóng góp xây dựng đường…Thế nhưng, khi được mọi người vận động, thuyết phục rằng, gia đình bà sẽ góp kinh phí làm đường bằng công lao động, nếu bà không hiến đất thì ảnh hưởng đến việc chung của thôn, rằng gia đình bà cũng được hưởng lợi khi mở đường, bà Phải thuận theo và đồng ý. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong Về xóm 3 thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), chúng tôi lại được nghe câu chuyện dân “cầm đèn chạy trước ô tô” làm đường. Chả là, khi biết đường trong xóm đến năm 2014 mới được trải bê tông ximăng, nhiều người dân đã “tự ái”. Và thay vì chờ, họ vận động nhau mở đường ngay trong năm 2012 này. Người già vận động người già, phụ nữ vận động phụ nữ, thanh niên vận động thanh niên, đơn xin tự nguyện tháo dỡ vật cản kiến trúc để mở rộng con đường cũ (dài 328m) mỗi bên thêm 1,5-2m nữa, đã được cấp tốc gửi lên UBND xã. Ông Lê Văn Ngọc- Chủ tịch UBND xã Bình Nghi- chia sẻ: “Khi nhận đơn của người dân xóm 3 xin tự nguyện mở đường, lãnh đạo xã chúng tôi cảm kích lắm nhưng cũng bối rối vì không có kinh phí để làm đường. Giải pháp tình thế là xã hỗ trợ người dân đổ đá cấp phối trong khi chờ làm bê tông ximăng”. Vậy là, cuối tháng 8/2012 vừa qua, dân xóm 3 đã đồng thanh tương ứng “hô biến” con đường nhỏ chỉ rộng 1,5m từ mấy chục năm qua thành đường rộng 4m chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, thay vì phải chờ đến năm 2014. Cụ Lê Thanh Long (82 tuổi), người đại diện người dân xóm 3 làm đơn tự nguyện mở đường gửi lên xã, thổ lộ: “Lúc đầu mọi người nghĩ chỉ mở thêm mỗi bên 0,5 - 1m, nhưng tính đi tính lại, đã mở thì mở cho rộng để sau này con cháu nó có sắm được ô tô thì chạy về tận nhà chứ. Vậy là người dân đồng ý mở rộng mỗi bên từ 1 - 2m để đường rộng 4m”. Ông Phạm Phú Vui (60 tuổi) chính là người “cầm chịch” trong cuộc vận động này, dù hiện nay ông đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Một mặt, ông đi vận động các nhà xung quanh, mặt khác lại cho tháo dỡ hàng rào nhà cha mẹ mình lùi vào đầu tiên để làm gương cho những nhà khác. Ông còn vận động thanh niên trong xóm làm lại hàng rào mới cho những gia đình neo đơn, già cả sau khi tháo dỡ. Trước việc làm tự phát nhưng có ý nghĩa trong cuộc vận động xây dựng NTM của người dân xóm 3 thôn Thủ Thiện Thượng, UBND xã Bình Nghi đã quyết định chọn đây là địa phương điển hình trong xây dựng NTM để nhân rộng cho các nơi khác trong xã. Và ở xóm 9, thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), từ chuyện làm đường bê tông, trong cái khó ló cái khôn. Theo dự toán, ngoài khoản Nhà nước hỗ trợ thì nhân dân phải đóng góp trên 242 triệu đồng để làm 1km đường bê tông, một khoản tiền quá sức đối với nhiều gia đình, bởi xóm chỉ có 86 hộ. Qua nhiều lần họp để bàn bạc, cuối cùng nhân dân trong xóm thống nhất: Trừ những người già (trên 65 tuổi), người tàn tật, còn lại mỗi nhân khẩu đóng góp 800 ngàn đồng; cây trái và hoa màu nếu nằm trúng đường thì người dân tự chặt, xã không đền bù. Ngoài ra, nhân dân trong xóm thống nhất chọn đơn vị thi công tại địa phương và giao ước sẽ thuê nhân công trong xóm để họ lao động, giảm bớt tiền đóng góp. Một lần nữa, bài học về phát huy vai trò của nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở lại khẳng định giá trị thời đại của nó trong cuộc sống. Việc nghe dân nói và nói dân nghe, làm cho dân tin... xem ra là không quá khó, nếu công tác dân vận biết cách đi đến tận cùng lòng dân. Đó là dân vận khéo vậy.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn