Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, Nghị định số 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp không nhỏ vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 2,5 lần so với mức dư nợ trước thời điểm ban hành Nghị định này, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế và hiện nay chiếm tỷ trọng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế.
Song, từ thực tế triển khai, sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã khiến một số quy định trong Nghị định 41 không còn phù hợp. Cụ thể, người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không được tiếp cận chính sách của Chính phủ theo Nghị định 41; các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm tại Nghị định 41 là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại được thực hiện từ năm 2010 không còn phù hợp với quy mô và chi phí cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là yêu cầu cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Cùng với đó, rất cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ kèm theo để phục vụ quá trình tái cơ cấu, trong đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trước những yêu cầu của thực tiễn này, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn để thay thế cho Nghị định 41.So với Nghị định 41, Nghị định này có rất nhiều điểm mới nổi bật.
Cụ thể, đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% - 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần.
Nghị định cũng quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm... cao hơn các lĩnh vực khác...
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Nghị định này đưa ra một hệ thống chính sách đồng bộ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Nghị định là một trong các giải pháp đột phá, tạo cú hích đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp nước ta. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn.
Song, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại khi Nghị định có, quyết tâm chính trị có, nhưng liệu vốn có đến được tay người nông dân? Ngân hàng có dễ dàng giải ngân vốn cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp? Và nếu cho vay một khoản tiền lớn mà không tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ xử lý sao? Lâu nay, nhiều chính sách ưu đãi thường bị cho là mang tính hình thức, khó thực hiện.
Do đó, muốn Nghị định này đi vào thực tế, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần phải thành lập và mở rộng ngay các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân, đặc biệt, quỹ cần một số cơ chế riêng, tiêu chí riêng để hoạt động hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần có quy định linh hoạt và cải cách về thủ tục hành chính để hỗ trợ khách hàng vay vốn tốt nhất có thể, nhất là với những hộ không có khả năng thế chấp, bởi trong kinh doanh, vốn là yếu tố rất quan trọng.
Về thời hạn cho vay, bên cạnh quy định thời gian cho vay cụ thể, cũng cần quy định cho vay trung, dài hạn theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm nông nghiệp, chu kỳ kinh doanh hàng nông sản, phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi nhằm tránh việc chu kỳ sản xuất chưa thu hoạch đã phải trả nợ ngân hàng gây khó khăn dẫn đến bán lúa non.
Theo daibieunhandan.vn