Điểm mạnh của huyện miền núi Ngọc Lặc là tất cả các thôn, bản đã có chi bộ, nhưng năng lực vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nghị quyết của cấp ủy các cấp vào thực tiễn chưa thật tốt. Một số chi bộ thực hiện không nghiêm chế độ sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trước tình hình đó, năm 2011, Huyện ủy Ngọc Lặc ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07 về nâng cao chất lượng chi bộ khối nông thôn. Trọng tâm là kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy viên, tập thể chi ủy, nhất là đối với các đồng chí bí thư chi bộ và trưởng thôn; đổi mới, đa dạng hóa hình thức giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội.
Về thôn Quang Vinh, xã Quang Trung giờ không còn gặp cảnh bùn lầy, nước đọng bởi đường đi, lối lại mới được trải bê-tông sạch đẹp. Có được kết quả đó là do chi ủy thôn đưa ra bàn với dân, thống nhất quy hoạch, kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng. Sau khi công khai dự toán, thống nhất định mức đóng góp, xác định đối tượng miễn giảm... cùng phương thức thực hiện do dân làm, dân giám sát, kiểm tra, trong thời gian ngắn, thôn Quang Vinh đã hoàn thành 1,2 km đường trục chính đạt chuẩn. Hiện tại thôn đang nâng cấp 2,8 km kênh mương, 3,8 km giao thông nội đồng. Điều đáng nói là nhờ chi bộ thôn biết cách tuyên truyền, vận động cho nên người dân trong thôn đã tình nguyện hiến đất ở, đất canh tác, đóng góp 1.800 ngày công để nắn tuyến, mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng và dành 2.500 m2 đất để có mặt bằng xây dựng công trình văn hóa - thể thao. Bí thư Chi bộ Lưu Vĩnh Sáng cho chúng tôi biết, từ khi thực hiện Nghị quyết số 07 của Huyện ủy, bên cạnh việc duy trì nền nếp sinh hoạt, chi bộ chú trọng phát huy trí tuệ của tập thể, ý kiến đóng góp của nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Cho nên, chi bộ đã xây dựng các nghị quyết bảo đảm sát hợp với tình hình cụ thể của thôn; phân công nhiệm vụ phù hợp hoàn cảnh cũng như năng lực, trình độ của mỗi cán bộ, đảng viên trong thôn để bảo đảm mọi người có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dự sinh hoạt với Chi bộ thôn 11, xã Ngọc Liên, chúng tôi nhận thấy tổ chức cơ sở đảng ở đây thực hiện khá nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ với những nội dung cụ thể, thiết thực. Từ việc ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện sát thực tiễn địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2012 thôn 11, xã Ngọc Liên đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra trong việc thực hiện kiên cố hóa, mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng.
Cũng từ phong trào xây dựng nông thôn mới mà các chi bộ ở khu vực nông thôn đã phát hiện nhiều quần chúng ưu tú, để theo dõi, giúp đỡ và bồi dưỡng kết nạp Đảng, điển hình là Chi bộ thôn Quang Phú, xã Quang Trung. Chi bộ có 13 đảng viên, trong đó bốn đảng viên nữ; có hai quần chúng ưu tú được chi bộ giao các đảng viên giúp đỡ tạo nguồn kết nạp Đảng. Nhà văn hóa của thôn không lớn nhưng được xây dựng kiên cố, thoáng mát, có quỹ đất làm sân chơi, bãi tập thể thao. Mùa khô vừa qua, nhân dân trong thôn làm 800 m đường giao thông nội đồng, đang xây dựng đập Ba Si, lấy nước phục vụ sản xuất, thâm canh các loại cây trồng.
Tuy nhiên, sau khi trao đổi ý kiến với chúng tôi về những chuyển biến ở các chi bộ khu vực nông thôn, Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc Phạm Thanh Sơn thẳng thắn nói: Nhiệm kỳ này có thêm nhiều nông dân được kết nạp Đảng nhưng bình quân tuổi đời còn cao. Việc phát triển đảng viên là người lao động vẫn gặp khó khăn do toàn huyện có tới năm nghìn thanh niên đi làm ăn xa, thiếu nguồn kết nạp Đảng. Thời gian tới, Ngọc Lặc tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ khu vực nông thôn để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn