"Lâu nay, chúng ta bàn nhiều về xã hội hóa việc đóng góp vật chất xây dựng nông thôn mới, mà chưa chú trọng huy động chất xám, chuyên gia cho từng nhiệm vụ". Ý kiến của đồng chí lãnh đạo huyện đã "bật lẫy", khiến các đại biểu thẳng thắn bày tỏ những thách thức đang đặt ra. Nổi bật như đội ngũ cán bộ qua đào tạo cơ bản các chuyên ngành phục vụ xây dựng nông thôn mới của huyện còn rất "mỏng". Ví như, cán bộ chuyên môn cao về ngành văn hóa, xã hội, quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch... Các xã cũng đang rất "khát" lực lượng "đứng mũi, chịu sào" tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương; du nhập ngành nghề mới tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân. Quá trình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo lập cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân trong xây dựng nông thôn mới cũng không thể thiếu vắng những trí thức, nhà khoa học chuyên ngành.
Nhìn rộng ra, địa bàn nông thôn toàn tỉnh hiện nay đang rất cần sự có mặt của các chuyên gia làm nòng cốt trong nghiên cứu, sưu tầm chọn lọc, tham mưu, định hướng giúp nông dân kế thừa, phát huy có chọn lọc những tinh hoa của nghề nông và văn hóa dân tộc..., để xây dựng nông thôn mới mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Cần thấy rằng, trong chiến lược phát triển đất nước, Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ðây là cơ hội lớn để đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhất là trí thức trẻ, có cơ hội cống hiến cho quê hương, đất nước. Chúng ta đã từng có thực tế, bài học sinh động, đó là vào những năm chiến tranh, lực lượng trí thức của đất nước tuy không hùng hậu như bây giờ, nhưng họ sẵn sàng có mặt nơi đồng ruộng, miền núi, biên giới, đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận tình nguyện ra mặt trận phục vụ và trực tiếp cầm súng chiến đấu...
Nhìn tổng thể, lực lượng trí thức trẻ của nước ta hiện nay được đào tạo cơ bản trong xã hội còn rất tiềm năng. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ chưa có việc làm, đang phải làm trái ngành nghề đào tạo, hoặc chấp nhận sớm trở thành "ông cắp ô" tại nhiều công sở. Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn thiếu nguồn nhân lực này là do cơ chế, chính sách trong thu hút họ về nông thôn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Có nguyên nhân do sự trì trệ, lệch lạc về nhận thức ở một bộ phận trí thức trẻ. Mặt khác, nhiều cơ quan khoa học chuyên ngành cũng chưa "mặn mà" với chương trình lớn này, chưa thật sự "xắn tay áo" vào cuộc, về với nông thôn, đến với nông dân cùng gỡ khó.
Thiết nghĩ cần tiếp tục điều tra, nghiên cứu, đánh giá tình hình, hoàn thiện chiến lược, chính sách nhằm tăng cường thu hút, tạo động lực đóng góp, cống hiến của lực lượng trí thức hùng hậu của đất nước, phát huy vai trò của các cơ quan khoa học chuyên ngành vào quá trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn