Từng bị đóng đinh là người nghèo nhất làng, nhất xã nhưng ông Nguyễn Kim Xưa lại góp công lớn vào sự đổi thay diệu kỳ vùng đất này.
Ông Xưa (Sn 1957, quê gốc Thái Bình). Khi tròn một tuổi, ông được cha mẹ đưa theo lên vùng kinh tế mới khai hoang, lập nghiệp. Với ông, ký ức thời niên thiếu là một chuỗi những tháng ngày gian khó, lẫn trong rừng sâu, núi thẳm.
Ông Nguyễn Kim Xưa từng nghèo nhất xóm, nhất xã lại chính là người góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn |
17 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, hòa mình cùng dòng chảy thiêng liêng của tiếng gọi bảo vệ non sông. Lúc đó, trong tâm tưởng của chàng trai Nguyễn Kim Xưa còn ẩn khuất một suy nghĩ đời thường. Ông thú nhận, đó là giảm áp lực cơm gạo cho cha mẹ của mình. Gần 1 thập kỷ kinh qua gian khổ của cả 2 cuộc kháng chiến vệ quốc chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1982, ông xuất ngũ.
Năm sau, ông xây dựng gia đình và được bố mẹ chia cho một ít đất ruộng trồng lúa, vài sào đất làm chè. Ba người con của vợ chồng ông lần lượt ra đời vào các năm 1984, 1988 và 1990. Gánh nặng kinh tế ngày một đè nặng, trong khi tư liệu sản xuất của miền quê nghèo hạn hẹp, viễn cảnh đói nghèo hiển hiện trước mặt. Ngoài việc nhà, ông lại lo gánh vác nhiều công việc của địa phương như Trưởng xóm, Hội Cựu chiến binh, Ban thanh tra Nhân dân...
Gồng gánh đủ ăn, đủ mặc cho vợ con, ông tranh thủ đi buôn vải vóc. Ít lãi, ông lại chuyện sang buôn chè, buôn gạo. Nhưng nghiệp buôn bán, thương lái với những cạnh tranh khốc liệt có lẽ không hợp với tác phong của những cựu quân nhân.
Có lần, không bán được hàng, ông thồ cả tạ gạo trong cơn mưa tầm tã, về mái lều tranh vách nứa. Nhìn vợ con mong ngóng mình rồi thất vọng, cám cảnh, ông nghẹn ngào lắm. Sau đận ấy, ông lại quay về tập trung khai khẩn những diện tích hoang hóa trên vùng đồi cọ, tiếp tục bới đất nhặt cỏ, tăng gia sản xuất.
Thấy hiệu quả, trưởng xóm Nguyễn Kim Xưa đề nghị bà con cùng mình khai khẩn toàn bộ diện tích bỏ hoang của địa phương. Ông dí dỏm, rừng cọ trùng trùng nhưng chỉ che dân thôi chứ làm gì có quân thù mà vây. Cây cọ chỉ đẹp trong thơ ca thôi, cây làm xơ đất, quả cọ rụng xuống khiến đất bạc màu, giá trị duy nhất là lấy lá cọ lợp mái nhà thì đã hết thời.
Ảnh: Đ.V.T |
Họp dân, ông thống nhất kế hoạch sản xuất rồi đích thân lên phòng nông nghiệp huyện đăng ký mua giống ngô mới, chè cành, những giống lúa mới về cho bà con cùng trồng. Cán bộ phòng nông nghiệp có lần thắc mắc, xóm của ông diện tích nhỏ mà lại đăng ký số lượng cây giống bằng cả một xã khác là sao?
Câu trả lời là đất xóm Cọ 1 giờ đã không còn diện tích bỏ hoang, ngoài chè, lúa, ngô là bạt ngàn rừng xanh; thừa lương thực, người xóm Cọ đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm; dân xóm Cọ 1 nay đã đủ ăn, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Nhiều năm khai hóa và mua thêm tư liệu, đến năm 2003, tổng diện tích đất của gia đình ông Xưa được gần 2 mẫu. Ông vay tiền ngân hàng chính sách xã hội huyện, cùng với số tiền tích cóp của gia đình, ông đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà. Bước đầu, trang trại gà có quy mô 5.000 con, ông chăn nuôi gia công cho Cty CP Chăn nuôi Việt Nam. Năm 2005, ông chuyển sang chăn nuôi cho Cty JAPFA.
Qua 4 năm làm thuê, công việc thuận lợi, ông đã tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi. Hạch toán cho số lãi là không nhỏ nhưng hà cớ chi khi tư liệu của mình, hạ tầng của mình, công sức cũng do mình mà lại phải ăn chia lợi nhuận. Ông quyết định xây thêm một trang trại nữa và chuyển sang tự làm. Đó là năm 2007.
Vợ con ông lo lắng vì khi gia đình chuyển ra tự hạch toán là thời điểm mà các bệnh dịch hoành hành trong lĩnh vực chăn nuôi. Nắm vững, làm chủ kỹ thuật, trong 10 năm liên tiếp, mặc cho không ít trang trại, gia trại lao đao vị dịch bệnh nhưng trại gà của ông Xưa liên tục gặt hái thành quả.
Ông kể có thời điểm, nhiều chủ chăn nuôi để chuồng trống thì trang trại của ông vẫn nuôi đủ quy mô với 14.000 gà thương phẩm mỗi lứa. Qua 45 ngày, ông thu về số lãi cả nửa tỷ bạc.
Ảnh: Đ.V.T |
Thành công lớn từ chăn nuôi, ông tiếp tục đầu tư. Với số tiền ngót nghét chục tỷ, ông mua ô tô tải, mua thêm gần 3ha xây dựng trang trại nuôi lợn. Quỹ đất dành cho chăn nuôi ở xóm Cọ không còn, ông đầu tư vào địa bàn xã Phủ Lý (cách làng Cọ 10km) để xây dựng trại lợn với quy mô 2.000 lợn thương phẩm mỗi lứa.
Tại vị trí của gia đình, ông cũng xây dựng thêm trại lợn với quy mô 400 lợn thương phẩm và 100 đầu lợn nái. Tận dụng nguồn phế thải từ chăn nuôi và đảm bảo môi trường, phát triển bền vững, ông cho đào các hồ lớn, thả cá. Diện tích các hồ cũng lên đến hơn 1 ha.
Ông Khương Văn Bảo (Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ) cho biết, nỗ lực của ông Nguyễn Kim Xưa và mô hình trang trại không chỉ mang thành quả kinh tế to lớn cho gia đình ông mà có giá trị lan tỏa tích cực đến đồng bào địa phương.
Trong trang phục bộ đội, dáng người cao lớn, ông Xưa thoăn thoắt đưa chúng tôi đi thăm trang trại và hồ cá, ông cho biết, thành quả hôm nay bắt nguồn chính từ sự cơ hàn trước kia. Trong quá trình làm mình luôn phải không ngừng học hỏi, kiên trì, bền trí. Nửa đêm, kể cả lễ Tết, bão bùng, cứ gà ốm, lợn mệt là phải lăn vào ngay.
Ông khoát tay chỉ về phía công trình xây dựng biệt thự của gia đình với dự trù kinh phí khoảng 3 tỷ đồng và tìm lý do khiêm tốn: Mình là trưởng tộc nên nhà phải rộng rãi một chút để còn làm việc họ, khi con cháu về giỗ Tết còn có chỗ tổ chức.
Hỏi ông về nguyện vọng, dự định sắp tới, ông bộc bạch, mình tuổi con gà, gà thì bới đất, nhặt cỏ cả đời. Cứ chỉ một ngày không làm, phải đi chơi là phát ốm mất. Vậy nên, mình sẽ không bao giờ dừng lại. Mong muốn là cơ ngơi này sẽ ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Nói rồi ông té bát thức ăn cho cá xuống hồ, cười hào sảng, tiếng cười lấp lánh lăn tan trên mặt nước... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn