Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Cả nước hiện có khoảng 2000 làng nghề, trong đó có hơn 1000 làng nghề truyền thống với gần 1,4 triệu người làm nghề thủ công. Mạng lưới đào tạo nghề cũng được mở với quy mô rộng khắp với khoảng hơn 200 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề. Với mạng lưới rộng như vậy, song vấn đề đào tạo, dạy nghề truyền thống hiện nay ở các địa phương lại đang gặp không ít khó khăn. Nhiều nghề truyền thống có nguy cơ bị thất truyền vì không có người kế tục.
Tìm hiểu nguyên nhân tại các cơ sở dạy nghề, được biết, việc tuyển sinh đầu vào các ngành nghề truyền thống hết sức khó khăn. Bởi hàng năm con số người học chọn ngành nghề truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, tại các làng nghề truyền thống, không có lớp đào tạo nghề quy mô lớn mà chỉ phát triển dưới hình thức truyền nghề manh mún, nhỏ lẻ. Đội ngũ nghệ nhân cũng như cơ sở vật chất tại các làng nghề lại eo hẹp. Vì thế công tác bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống đang gặp không ít trở ngại.
Theo nghệ nhân Phan Đức Hồng, nguyên cán bộ giảng dạy trường Cao đẳng nghề Mỹ nghệ Việt Nam cho biết: Đã từ lâu, số bạn trẻ hứng thú với các ngành nghề truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cũng theo ông Hồng, phần lớn các bạn trẻ hiện nay vào trường nghề chỉ với mục đích học lấy bằng cấp, chứng chỉ hơn là chịu khó học hỏi kỹ năng làm nghề. Đây chính là nguyên nhân khiến cho không ít nghệ nhân giỏi không còn hứng thú với công tác đào tạo nghề. Nhiều người đã xin nghỉ hưu hoặc xin rút khỏi công tác đào tạo.
Sau khi xin rút khỏi công tác đào tạo tạo các cơ sở nghề nhiều nghệ nhân tâm huyết đang có sức khỏe, bỏ vốn kinh doanh phát triển cơ sở sản xuất nghề truyền thống. Đồng hành với quá trình phát triển kinh doanh nghề truyền thống, họ chọn ra những người tâm huyết thực sự với nghề để truyền nghề. Tuy manh mún nhỏ lẻ nhưng nhiều nghệ nhân vẫn cho rằng đây cách bảo tồn phát huy làng nghề tốt, hiệu quả nhất.
Theo TS Tôn Gia Hóa, Trưởng ban Dự án Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi phương thức đào tạo nghề truyền thống hiện nay. Theo đó, hãy để các nghệ nhân tự chọn người truyền nghề. Các làng nghề cần gắn với vùng nguyên liệu cũng như đảm bảo bao tiêu sản phẩm từ những doanh nghiệp.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc đào tạo nghề phải làm sao đem lại hiệu quả cho lao động nông thôn đồng thời phải gắn với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho các sản phẩm để đạt hiệu quả, chứ không nên chạy theo số lượng đào tạo.
Theo ông Hóa, để phát triển làng nghề cũng như việc truyền nghề có hiệu quả cần có sự quan tâm của các cấp các ngành, cũng như đầu tư nguồn vốn để phát triển làng nghề truyền thống, nếu không, nguy cơ nghề truyền thống mai một đã hiện hữu.
Quyết Tiến
theo http://daidoanket.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn