Hiện tại, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định trên cơ sở rà soát lại Quyết định 12 của Chính phủ ban hành năm 2011 về "Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ", bởi sau 3 năm triển khai quyết định này, các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa tiếp cận được các ưu đãi của Chính phủ.
Nội dung chính của Nghị định mới sẽ tập trung vào hướng ươm tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ DN thông qua một số hoạt động cụ thể: Xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), triển khai đồng thời ở cấp trung ương và cấp địa phương; xây dựng một số trung tâm phát triển CNHT tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các DN trong quá trình sản xuất; hình thành Quỹ Đầu tư CNHT để tạo điều kiện về vốn cho các DN...
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Dự thảo Nghị định này được xây dựng theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, sao cho các hỗ trợ và ưu đãi đến được trực tiếp DN. Dự kiến lãi suất cho phát triển CNHT sẽ thấp hơn tín dụng đầu tư thông thường với thủ tục vay vốn đơn giản, hướng tới phân cấp mạnh tới các địa phương xét duyệt ưu đãi cho dự án sản xuất sản phẩm CNHT.
Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2014 và hy vọng các chính sách hỗ trợ sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2015.
Đề cập đến vấn đề hội nhập, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ ký kết nhiều FTA quan trọng với Hàn Quốc, EU, Liên minh Thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015. Việc hướng các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghiệp hỗ trợ, trở thành các đơn vị vệ tinh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là mục tiêu của Chính phủ trong thời gian tới. |
Các DN Việt Nam không nên lo lắng khi vào “sân chơi” hội nhập Trước ý kiến cho rằng, các DN Việt Nam không đủ khả năng sản xuất ốc vít cho một số tập đoàn điện tử, cơ khí nước ngoài, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn:
“Nói như vậy là chưa chính xác và chưa toàn diện”. Khả năng sản xuất và việc tham gia được vào chuỗi giá trị của các DN toàn cầu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Muốn tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu,
trước tiên, các DN Việt Nam cần đáp ứng hàng loạt điều kiện nghiêm ngặt theo các chuẩn mực quốc tế về quy trình sản xuất, bao gồm chất lượng và tiến độ giao hàng, môi trường, lao động…
Cuối cùng, sản phẩm phải có giá thành cạnh tranh nhất mới là yếu tố quyết định.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận một thực trạng:
“Chúng ta có khả năng sản xuất nhưng không đáp ứng được yêu cầu về giá thành, có nghĩa là chúng ta chưa sản xuất được. Với thực trạng còn nhiều hạn chế, trong ngắn hạn, việc các DN Việt Nam đóng vai trò là nhà cung ứng trực tiếp cho các tập đoàn nước ngoài là hết sức khó khăn. Trên thực tế, hiện nay, một số DN Việt Nam bước đầu đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung với vai trò thầu phụ cho các nhà cung ứng trực tiếp”.
Trước những băn khoăn của một số DN tỏ ra lo ngại về khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài khi Việt Nam tham gia ký các FTA, Bộ trưởng cho biết, khi ký các hiệp định là để mở ra thị trường mới, tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư trong những lĩnh vực chúng ta chưa có điều kiện. Thêm vào đó, nguyên tắc đàm phán và ký kết sẽ được xác định trên việc đạt được lợi ích cân bằng hai bên. Chúng ta sẽ đấu tranh, bảo lưu, dùng hạn ngạch khống chế đối với nhóm hàng nhạy cảm/yếu như nông nghiệp hay chăn nuôi, nhưng cũng chỉ bảo lưu trong thời hạn nhất định. Các DN sẽ hòa nhập dần dần, tự đứng trên đôi chân của mình và đến lúc phải mở cửa hoàn toàn.