Năm 2014, Giồng Trôm đạt nhiều thắng lợi trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện, với các điểm sáng trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Phóng viên Báo Đồng Khởi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quới - Phó Chủ tịch UBND huyện về nội dung này.
|
Thu hoạch hoa màu an toàn ở xã Hưng Nhượng. Ảnh: H.Vũ |
* Xin ông cho biết kết quả bước đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp - thủy sản theo hướng bền vững?- Ông Nguyễn Văn Quới: Huyện đã triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013-2015 và hướng đến năm 2020. Các mô hình sản xuất có hiệu quả được mở rộng như: cánh đồng mẫu sản xuất lúa, với tổng diện tích 248ha ở 3 xã Phong Mỹ, Phong Nẫm và Bình Thạnh; mô hình liên kết sản xuất sơ chế tiêu thụ sản phẩm dừa, với tổng diện tích 1.145ha ở 3 xã Châu Bình, Hưng Lễ và Lương Quới…
Huyện đang tiến hành tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó tập trung ở khâu tổ thức sản xuất và tìm thị trường. Cây bưởi da xanh ngày càng được nhiều hộ dân chọn làm cây trồng chủ lực, với tổng diện tích 915ha, trong đó trồng chuyên canh 511ha. Hiện toàn huyện có 1.208ha nuôi thủy sản, nhiều nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng 792ha. Một số nông dân ở xã Hưng Nhượng sản xuất hoa màu an toàn, với diện tích 9ha, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Huyện đang khuyến khích nhân rộng.
* Còn công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp?- Trên địa bàn huyện có 35 doanh nghiệp, 1.445 cơ sở sản xuất, hoạt động khá ổn định, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm, với diện tích gần 42ha, có 5 doanh nghiệp đang đầu tư. Huyện đang giải phóng mặt bằng 4,38ha để giao cho Công ty Shinkwang Chem. IND.CO.LTD (Hàn Quốc) sản xuất than củi từ gáo dừa và Công ty TNHH một thành viên dầu dừa thủy tinh (có vốn đầu tư từ Canada). Trong đầu tư cụm công nghiệp, huyện chú trọng tính bền vững, không nóng vội, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho người dân tại địa phương.
Đối với tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục đầu tư vào nghề truyền thống sản xuất bánh phồng. Huyện đã hỗ trợ 130 triệu đồng, đầu tư máy quết bánh phồng cho làng nghề sản xuất bánh phồng Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng.
* Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, theo ông có những điểm nào nổi bật?- Năm 2014, toàn huyện đầu tư gần 107 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp 9,6 tỷ đồng. Có 63km đường bê-tông được nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong đó có gần 50km đường đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng mới 48 cây cầu, với tổng chiều dài gần 626m. Trong xây dựng cơ bản, huyện đã thực hiện 82 công trình, với tổng kinh phí gần 89 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo tiến độ và đạt chất lượng theo yêu cầu.
Trong năm 2014, huyện được đầu tư gần 26km đường điện trung thế, hạ thế, với kinh phí 4,2 tỷ đồng. Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện khu vực nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức, đã hoàn thành được 83 tuyến hạ thế, 10 tuyến trung thế. Điện lực đang thi công giai đoạn 2, với 100 tuyến hạ thế, 7 tuyến trung thế, kinh phí 66 tỷ đồng. Huyện đang hoàn chỉnh mạng lưới điện theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Châu Bình.
* Lĩnh vực văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến như thế nào, thưa ông?- Huyện đã duy trì và nâng chất phổ cập giáo dục. Có 21/22 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 12/22 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. 9/22 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Năm 2014, có 4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (Tiểu học Thuận Điền, THCS Thuận Điền, THCS Thị trấn, THPT Nguyễn Ngọc Thăng). 2 xã Châu Bình và Phong Nẫm được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. 1.770 trẻ được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Huyện đã tổ chức trao tặng 5.184 suất học bổng, 57.099 phần quà cho trẻ em, với tổng trị giá gần 8,7 tỷ đồng.
Huyện phối hợp mở 16 lớp đào tạo nghề cho 467 lao động nông thôn, tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 3.261 người. Có 100 người đi lao động ở Nhật Bản, 28 người đi lao động ở Hàn Quốc. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92%.
Sau khi công bố xã nông thôn mới Châu Bình, huyện đang phấn đấu xây dựng các xã nông thôn mới còn lại. Để xây dựng xã nông thôn mới, huyện huy động các nguồn vốn xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, với tổng kinh phí gần 117 tỷ đồng. Hiện xã Lương Quới đạt 14/19 tiêu chí, Sơn Phú 11/19 tiêu chí. UBND huyện đã trình HĐND huyện đề án công nhận Thị trấn đạt đô thị loại V, điều chỉnh quy hoạch xã Phước Long tiến đến đô thị loại V. Thị trấn đạt 44/49 tiêu chí, xã Mỹ Thạnh đạt 40/49 tiêu chí, xã Phước Long đạt 32/49 tiêu chí đô thị loại V.
* Xin cảm ơn ông! HOÀNG VŨ (thực hiện)
Theo baodongkhoi.com.vn