Hà Nội có 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tập trung tại 5 huyện. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của vùng đồng bào DTTS, TP đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, qua đó tạo chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc và miền núi của Thủ đô.
Diện mạo xã An Phú, huyện Mỹ Đức đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ nguồn đầu tư phát triển lớn của TP. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng cơ sở, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của 14 xã vùng đồng bào DTTS đạt khoảng 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, bình quân giảm trên 3%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, hiện đã đạt trên 28 triệu đồng/năm; có xã đạt trên 40 triệu đồng. Đến nay, vùng đồng bào DTTS của Hà Nội đã không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống điện - đường - trường - trạm được tập trung đầu tư. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trụ sở UBND; trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa, 60% kênh mương được kiên cố hóa. 100% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh. Mạng lưới internet, hệ thống điện được cấp tới từng thôn bản. 100% các trạm y tế có đội ngũ bác sĩ đủ năng lực khám chữa bệnh ban đầu. Trên 53% số cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho con em vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS.
Hiệu quả từ chính sách đầu tư
Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, trong 10 năm qua, đồng bào DTTS của Thủ đô đã được thụ hưởng nhiều chính sách của T.Ư. Điển hình, TP đã bố trí trên 43 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592 và Quyết định 755. Hàng chục tỷ đồng đã được phân bổ thực hiện Nghị định số 61 của Chính phủ về chính sách giáo dục cho giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số. Mỗi năm, TP cũng bố trí trên 1 tỷ đồng thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS...
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 166 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2010 - 2015”. 202 dự án với tổng kinh phí gần 1.277 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đánh giá kết quả của Kế hoạch số 166, TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 138 với mục tiêu tương tự cho giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, tổng nguồn vốn TP đã đầu tư cho vùng đồng bào DTTS là trên 850 tỷ đồng.
Nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, đến nay, vùng DTTS và miền núi của Thủ đô đã có những đổi thay rõ nét; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển chung của TP và cả nước.
Công tác dân tộc là nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, các sở, ban ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc của T.Ư và TP. Cùng với phát triển kinh tế, cần chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng dân tộc. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn |
Theo: Lâm Nguyễn/kinhtedothi.vn