Hỗ trợ kịp thời
Hội ND xã Cẩm Lĩnh là một trong nhiều cơ sở Hội trên địa bàn huyện Ba Vì thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Điển hình như Dự án “Trồng bưởi Diễn và nuôi gà thả vườn” vay vốn Quỹ HTND năm 2011 với số tiền 150 triệu đồng cho 15 hội viên vay. Đến nay, ngoài chăn nuôi gà, các hộ đã có vườn bưởi Diễn khép tán cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Từ các hộ này mà phong trào trồng bưởi Diễn của xã đã được nhân lên.
Mô hình nuôi gà đồi đang mang lại thu nhập tốt cho nông dân tại các xã của huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
"Nhờ đồng vốn của Quỹ HTND thành phố mà các hộ tham gia chuỗi có điều kiện mua chung con giống, thức ăn, vì vậy mà chất lượng gà thương phẩm được nâng cao và rất đồng đều". Ông Trần Đình Thành |
Cùng với mô hình trồng bưởi Diễn, Hội ND xã Tản Lĩnh đã xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì. Gần 100% các hộ trong xã có thu nhập chính từ nghề nuôi gà.
Năm 2016, Hội ND xã Tản Lĩnh xây dựng “Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi”. Tham gia chuỗi, các thành viên phải tuân theo quy trình nuôi chung và sản xuất theo kế hoạch. Theo đó, quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật.
Nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu về thực phẩm an toàn, năm 2016, Hội ND Cẩm Lĩnh đã mạnh dạn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và được Quỹ HTND duyệt cho vay 500 triệu đồng. Hiện nay, chuỗi gồm 61 hộ tham gia với tổng đàn gà lên tới 270.000 con, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 80 triệu đồng/năm.
Hội ND huyện Ba Vì đang duy trì 32 mô hình kinh tế tập thể và chỉ đạo xây dựng 8 mô hình kinh tế mới. Thông qua việc hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò của các cấp Hội ND trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Là một trong những hộ điển hình được hưởng lợi từ sự trợ giúp trên, gia đình anh Nguyễn Văn Sắc (xã Thụy An) đang nuôi hơn 1 vạn con gà, doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Anh Sắc cho hay, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội ND huyện, thương hiệu gà đồi Ba Vì ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường...
Xây dựng thương hiệu
Chăn nuôi gà đồi được phát triển từ nhiều năm nay và là thế mạnh của huyện Ba Vì. Hiện tại, quy mô chăn nuôi gà thịt của mỗi hộ từ 100 - 500 con, quy mô chăn nuôi trang trại từ 2.000 - 10.000 con, tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…
Gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đất đồi gò rộng có bóng mát của cây cối. Thức ăn cho gà ở giai đoạn đầu là thức ăn công nghiệp. Khi được 2 tháng tuổi, gà được nuôi bằng thức ăn phối trộn ngô, đỗ tương xay, dầu cá, bã bia và được thả rông trong vườn, đồi. Nhờ đó, thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ nạc cao.
Ông Trần Đình Thành – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết thêm, quy trình chăn nuôi gà của bà con ở huyện được thực hiện rất bài bản từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Bên cạnh bán gà thương phẩm, các thành viên của hội cũng bán gà làm sẵn, đóng gói hút chân không.
Hiện sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. “Gà đồi Ba Vì vẫn đang được tiêu thụ tự do, chủ yếu qua thương lái với giá bán từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm gà đồi Ba Vì sẽ có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị lớn để người tiêu dùng Thủ đô được thưởng thức sản phẩm chính hiệu” – ông Thành nói
Ông Tô Hải Long - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội cho biết, khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho gà đồi Ba Vì vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ. Việc tổ chức cho các doanh nghiệp tham quan mô hình chăn nuôi, sản xuất gà đồi theo chuỗi an toàn, khép kín là cơ hội để giới thiệu và quảng bá rộng rãi đồng thời mở ra cơ hội xúc tiến thương mại cho sản phẩm này.
"Bên cạnh đó, để giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi, cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp tới khâu bán lẻ, phân phối. Do đó, Trung tâm thường xuyên hỗ trợ Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội (số 33 Nguyễn Chí Thanh) nhằm mở rộng đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi" - ông Long khẳng định.
Theo trần Quang/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn