Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 đã có một khởi đầu không mấy suôn sẻ, khi tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của cả giai đoạn chỉ đạt 5,46% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Ông Nguyễn Bích Lâm, người đứng đầu cơ quan thống kê đặc biệt lưu ý dấu hiệu này khi so sánh GDP quý I/2016 đã thấp hơn so với quý mở đầu của giai đoạn 2011-2015, tăng 5,9%, hay so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, con số này cũng thể hiện xu hướng tăng trưởng chững lại rất nhanh sau một thời gian liên tục cải thiện về mặt con số.
Bức tranh kinh tế - xã hội lại cho thấy một dấu hiệu đáng lo ngại khác |
Không nằm ngoài dự đoán, nông nghiệp và khai khoáng là 2 lĩnh vực góp phần lớn nhất kéo lùi tăng trưởng trong quý I. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có giá trị tăng thêm giảm tới 1,23% so cùng kỳ năm trước, mức tiêu cực nếu so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
“Nông nghiệp đã từng là cứu cánh của cả nền kinh tế trong những giai đoạn khủng hoảng 1997-1999, hay 2012-2014. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm khu vực này có mức tăng trưởng âm, làm giảm tới 0,16 điểm % vào tốc độ tăng trưởng chung”, ông Lâm lo ngại.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có sự phân hóa mạnh. Với khu vực công nghiệp, trong hai lĩnh vực “chủ công” thì công nghiệp chế biến chế tạo vốn là ngành thu hút vốn FDI lớn, đóng góp nhiều vào giá trị sản phẩm của nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu... lại đang có biểu hiện hụt hơi.
Trong quý đầu năm nay, lĩnh vực này chỉ đạt tăng trưởng 7,9%, thua xa mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó giá trị gia tăng ngành khai khoáng thậm chí giảm 1,2%, với “điểm nhấn” đáng chú ý là sản lượng dầu thô khai thác giảm gần 4% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế quan trọng gặp khó khăn như vậy, xây dựng chính là “người hùng”. GDP lĩnh vực này trong quý I/2016 đạt mức tăng ấn tượng 9,94%, cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I hầu hết các công trình xây dựng đều tăng trưởng tốt, nhưng tăng cao nhất là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng tới trên 12%...
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền sản xuất nói chung còn gặp khó khăn, việc phát triển mạnh các hoạt động đầu tư hạ tầng cũng đặt ra vấn đề về cân đối tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế.
Nhìn nhận tổng thể tình hình tăng trưởng hiện nay, Tổng cục Thống kê đánh giá, khi độ mở của nền kinh tế ngày càng cao, trong lúc tăng trưởng kinh tế thế giới chậm hơn so với dự đoán ban đầu, thì con số 5,46% tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2016 vẫn có thể coi là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, đặt trong tương quan với con số lạm phát được cơ quan thống kê công bố ngay trước đó, bức tranh kinh tế - xã hội lại cho thấy một dấu hiệu đáng lo ngại khác.
CPI cả quý đã tăng trở lại, chủ yếu do các chính sách điều hành giá đẩy chi phí dịch vụ công là y tế, giáo dục tăng lên. Trong rổ hàng hoá, giá dịch vụ y tế và giáo dục đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân có thu nhập thấp nhiều hơn. Ông Nguyễn Bích Lâm thừa nhận, lạm phát do chính sách điều hành giá có thể gây ảnh hưởng bất lợi, do không kích thích bên cung, trong khi lại làm người nghèo tăng chi tiêu.
Thêm vào đó, khi cán cân tăng trưởng có độ vênh giữa các ngành, với nông nghiệp đang gặp khó khăn chưa từng có, thì xây dựng và dịch vụ lại tăng trưởng ấn tượng nhất trong mấy năm trở lại đây. Có thể xem đó là một vấn đề cần cảnh báo, bởi lạm phát đã rút tiền từ túi người thu nhập thấp, trong khi tăng trưởng không những không đạt như kỳ vọng lại có thể phân bổ thành quả tập trung nhiều hơn vào đối tượng có thu nhập cao.
Với tình hình kinh tế quý I diễn ra như hiện nay, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) rất ngập ngừng trước câu hỏi liệu tăng trưởng GDP cả năm có đạt được mục tiêu đã đặt ra là 6,7% hay không. Theo ông Tuyến, so với GDP năm 2015 là 6,68%, thì con số đặt ra trong năm nay không phải là quá cao, song tình hình diễn biến với nhiều khó khăn, khó đoán định và những yếu tố tác động tới kinh tế quý I có thể kéo dài bất lợi cho cả năm.
Ông Tuyến cũng nêu một số tác nhân chính mà Tổng cục Thống kê cho rằng có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng năm nay. Theo đó, để tăng trưởng chung đạt mức 6,7%, cơ quan thống kê tính toán khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng ở mức 2,5%, song chỉ riêng quý vừa qua đã âm, gây áp lực cho các quý còn lại của năm nay.
Thêm vào đó, công nghiệp chế biến chế tạo quý này cũng tăng trưởng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngành khai khoáng trong năm 2015 đã tăng trên 7%, nhưng quý I năm nay cũng âm. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới được dự báo đã chạm đáy và sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, thì triển vọng tăng trưởng cũng có thể nằm ở ngành này.
Đánh giá tất cả các yếu tố nêu trên, cơ quan thống kê kỳ vọng 9 tháng còn lại của năm, nếu có thể khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch đầu năm là 14 triệu tấn, thì đây sẽ là khoản đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế cả năm. Đồng thời, nếu như trong 9 tháng còn lại các cơ quan quản lý có chỉ đạo quyết liệt về các chính sách nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất, để mức tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo đạt khoảng 12-13% trong cả năm nay, thì sẽ có đóng góp tích cực cho bức tranh kinh tế năm nay.
Ngọc Khanh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn