20:55 EST Thứ sáu, 10/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Những điều kiện ‘trói buộc’ doanh nghiệp - Bài 1: Xuất khẩu gạo

Thứ tư - 06/09/2017 00:18
(Chinhphu.vn) – Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh việc Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nhiều quy định trong Nghị định này được đánh giá là vô lý, gần như chặn đứng cơ hội của những doanh nghiệp nhỏ, trói buộc sự phát triển của hạt gạo Việt Nam.

LTS: Mới đây, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã yêu cầu phải bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, không phù hợp.

 

Báo điện tử Chính phủ xin giới thiệu loạt bài viết về các điều kiện kinh doanh được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất trong thời gian qua và những nỗ lực của các cơ quan trong việc thực hiện yêu cầu cải cách của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sửa đổi các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh: VGP

Trước kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, Bộ Công Thương chính thức phát đi phiên bản mới nhất của dự thảo thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Cùng thời điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong một bài viết gửi Báo điện tử Chính phủ đã kể lại một câu chuyện ở Hội chợ ASEAN-Ấn Độ mới đây.

Khi doanh nghiệp phải từ chối hợp đồng

Tại Hội chợ ở Thái Lan này, một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã phải ngậm ngùi lắc đầu từ chối khi 6 đối tác tìm đến đàm phán mua hàng, sau khi “ngửi” thấy mùi gạo nấu thơm lừng từ gian hàng của Việt Nam. Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, công ty đâu có được phép xuất khẩu gạo mà bán, dự hội chợ để thu thập thông tin và quảng bá thôi!

Lý do là những điều kiện kinh doanh tại Nghị định 109. Theo đó, muốn được xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều  kiện hết sức ngặt nghèo: có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các điều kiện nói trên - với yêu cầu rất lớn về vốn đầu tư - gần như chặn đứng cơ hội tham gia thị trường của những doanh nghiệp nhỏ. Trong khi, thị trường có những phân khúc vô cùng đa dạng, nhiều phân khúc không yêu cầu nguồn cung lớn đến thế.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp từng không thể xin được giấy phép xuất khẩu và buộc phải lập các công ty tại nước khác để nhập gạo của chính mình từ quê nhà Việt Nam qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu. Như trường hợp doanh nghiệp nói trên đã phải lập một công ty của chính mình tại Singapore để giao dịch trực tiếp với các siêu thị.

Với Nghị định 109, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ yêu cầu sửa đổi là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không nên cho trao cho Hiệp hội Lương thực VFA nhiều quyền không nên có. 

Không chỉ có vậy, việc đặt ra rào cản quá cao gây ra nhiều hệ lụy khác. Các doanh nghiệp lớn – nhất là các doanh nghiệp có được hợp đồng xuất khẩu tập trung - vì ít đối thủ cạnh tranh nên không quan tâm lo thị trường, làm thương hiệu. Kết quả là hạt gạo Việt Nam chỉ bán được ở những phân khúc chất lượng không cao, thậm chí giá gạo xuất khẩu còn thấp hơn giá gạo trong nước. Mặt khác, doanh nghiệp cũng không quan tâm đến việc đầu tư trở lại cho nông dân, bởi gạo chất lượng nào họ cũng mua.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đây là một ví dụ điển hình của việc cơ quan quản lý áp đặt quá mức về phương thức kinh doanh.  

“Theo nguyên tắc, phải có thị trường trước đã, từ quy mô thị trường mới tính toán quy mô đầu tư. Chúng ta đang yêu cầu ngược lại. Không thể bỗng dưng bán được hàng nghìn hàng vạn tấn gạo. Ai dám chắc sẽ bán được một lượng hàng lớn đến thế, đầu tư kho bãi, cơ sở xay xát rồi không bán được hàng thì sao?”

“Nói cách khác, chúng ta đang đặt doanh nghiệp trước một lựa chọn nghiệt ngã và phi lý: Hoặc ngay lập tức trở thành người khổng lồ hoặc không tồn tại. Doanh nghiệp không được phép lớn dần. Trong khi, việc kinh doanh phải tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, phải bắt đầu từ con số 0 rồi tiến đến bán vài tạ, vài tấn, rồi hàng nghìn, hàng vạn tấn. Chúng ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ có được những doanh nghiệp lớn, năng động, sáng tạo, có sức cạnh tranh nếu còn giữ cách tư duy như vậy, dù có xuất khẩu nhiều gạo nhất nhì thế giới”, ông Cung nói.

Không nên chống hỗn loạn thị trường bằng điều kiện kinh doanh

 

Ông Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kể lại câu chuyện gặp một số doanh nhân ở hai nước Lào, Campuchia - họ cho biết rất dễ dàng thành lập công ty để xuất khẩu gạo. Nghe ông Đức nói các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về thủ tục ra sao nếu muốn xuất khẩu gạo, lúc đầu, các doanh nghiệp này không tin, nhưng sau họ phá cười nói: “Anh về đừng kể lại câu chuyện của chúng tôi nhé, để chúng tôi còn dễ làm ăn”.

Một trong những “căn cứ” được viện dẫn chủ yếu cho việc đặt ra các điều kiện kinh doanh hạn chế doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường, đó là những lo ngại về việc “doanh nghiệp gây hỗn loạn thị trường”.

Logic cho lập luận này là: nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường sẽ tranh mua nguyên liệu xuất khẩu, khiến người sản xuất phá vỡ cam kết từ trước để bán cho doanh nghiệp khác với giá cao hơn, gây hỗn loạn thị trường trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia, đây là những lo ngại xác đáng và trên thực tế nó đã xảy ra và cũng đang xảy ra với nhiều ngành hàng nông sản khác, chứ không riêng gì gạo. Tuy nhiên, vấn đề phá vỡ cam kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận khác chứ không phải là can thiệp hành chính vào thị trường bằng điều kiện kinh doanh.

Cũng theo các chuyên gia,  một vấn đề khác trong Nghị định 109 là tạo điều kiện cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nắm vị thế độc quyền với nhiều đặc quyền. Cụ thể, khi đã khi có hợp đồng, doanh nghiệp phải đăng ký với VFA và chỉ khi có sự chấp thuận của đơn vị này, doanh nghiệp mới xuất khẩu được dù hai phía đã thỏa thuận xong… Mặt khác, nòng cốt của Hiệp hội này là một số doanh nghiệp, có thể dẫn tới xung đột lợi ích với các doanh nghiệp khác.

Nhiều ý kiến đã cho rằng VFA không thể có quyền quyết định trong việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên.

Sẽ bãi bỏ hàng loạt điều kiện

Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Ông cũng thành lập ban soạn thảo xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 109.

Dự thảo mới nhất được Bộ công bố ngày 28/8 đã có hàng loạt đổi mới mạnh mẽ, như doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bắt buộc phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay, xát, chế biến, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng. Thay vào đó, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Đồng thời bỏ quy định thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh của Sở Công Thương, thay vào đó là cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, chỉ tổ chức hậu kiểm. Cùng với đó là bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA…

Với hướng quy định này, Bộ Công Thương ước tính số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60% - 70% so với hiện nay, chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù như gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo dược liệu… mà không cần đáp ứng những điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến khác nhau về dự thảo này và hy vọng cho tới khi được ban hành, Nghị định mới sẽ thực sự tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo chuyển biến về chất cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, tháo gỡ mọi rào cản để hạt gạo Việt Nam tiến lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hà Chính
http://baochinhphu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 300


Hôm nayHôm nay : 53124

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 394782

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73441753