Một con đường mới được mở rộng và thảm nhựa ở Đại Áng
Đến Đại Áng hôm nay, điều mà ai cũng có thể cảm nhận được ngay là "sự thay da đổi thịt" của địa phương. Từ đường làng, ngõ xóm đến hệ thống điện, nước, trường học, trạm xá... Từ một xã chiêm trũng, việc đi lại khó khăn, y tế, giáo dục nghèo nàn, ngày nay Đại Áng đã có những con đường, khu phố chẳng khác gì các khu Đô thị mới ở Thủ đô. Con đường dẫn từ trung tâm huyện Thanh Trì tới xã được thảm nhựa phẳng phiu, mặt đường đủ rộng cho 2 làn xe tải qua lại. Gần trung UBND xã còn có đoạn đường đôi rộng rãi.
Không chỉ có vậy, hầu hết các đường liên thôn, giao thông nội đồng, hệ thống mương máng thủy lợi cũng đều được bê tông hóa rộng rãi và sạch sẽ... Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Văn Tân, cơ sở vật chất, xã hội của Đại Áng được như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào sự quan tâm đầu tư của huyện và Thành phố, cũng như sự cố gắng của chính quyền và nhân dân địa phương.
Trường Trung học cơ sở của xã mới khánh thành tháng 9/2012
Nói đến vấn đề giáo dục, ở Đại Áng cũng như bao làng quê khác, trước đây hệ thống trường lớp ở xã rất tạm bợ, cũ nát. Những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình quốc gia nông thôn mới và nguồn ngân sách của thành phố Hà Nội, xã đã được đầu tư để nâng cấp trường tiểu học Đại Áng, xây mới thêm trường mầm non. Tháng 9 vừa qua, vào dịp khai giảng năm học mới, giáo viên và học sinh trường trung học cơ sở Đại Áng đã được dạy và học trong ngôi trường mới 3 tầng khang trang, hiện đại và rộng rãi. Việc cơ sở vật chất học đường được đầu tư lớn đã động viên và giúp đỡ thầy trò Trường trung học cơ sở Đại Áng có điều kiện tốt hơn trong việc đạt được những mục tiêu phấn đấu của nhà trường...
Giống chuối ngon, năng suất cao được nhiều gia đình ở Đại Áng trồng để phát triển kinh tế cá thể Không chỉ có sự thay đổi dáng vẻ bên ngoài, mà cái đích cuối cùng của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới hướng tới là thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao mức sống cho bà con thì ở Đại Áng vấn đề này đang hiện hữu rõ nét. Từ chỗ bà con chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì nay bên cạnh cây lúa, người dân còn biết kết hợp mô hình lúa - cá, phát triển các mô hình làm kinh tế mới như trồng nấm rơm, nuôi ốc nhồi, trồng chuối, hoa cây cảnh giống mới...
Anh Ngô Xuân Thu (thôn Nguyệt Áng) cho biết, trước đây gia đình anh từng chuyên canh cây lúa, nay một phần diện anh dành cho thả cá (giống trắm, chép, rô phi), còn dành lại hơn 1 nghìn m2 anh trồng nấm rơm. Mô hình làm kinh tế mới này đang mang lại cho gia đình anh mức thu nhập khá ổn định, trung bình đạt gần hai trăm triệu đồng/ năm...
Hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đều đã và đang được bê tông hóa Theo Ban chỉ đạo nông thôn mới xã Đại Áng: Sau hơn hai năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ở xã đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sản xuất đang có xu hướng phát triển nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7% năm 2010 xuống còn 3% năm 2012. Như vậy, đề án xây dựng nông thôn mới của xã Đại Áng đã được thực hiện tốt, cơ bản đáp ứn được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã vẫn còn một số tồn tại như: còn 4 tiêu chí chưa đạt, nhận thức của một số cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; một số cán bộ kinh nghiệm năng lực còn hạn chế; cơ cấu bố trí nguồn vốn chưa hợp lý mới chỉ dồn vào đầu tư cho hạ tầng xã hội mà chưa chú trọng đến hạ tầng sản xuất v.v. Tại Hội nghị sơ kết 2 năm về xây dựng nông thôn mới, những tồn tại này cũng đã được Đảng ủy, chính quyền xã Đại Áng đã thẳng thắn nhìn nhận và phấn đấu khắc phục trong thời gian tới.