Thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng cao; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu đáng kể; doanh nghiệp ổn định, đẩy mạnh sản xuất - các kết quả trên đã tạo nên những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế chín tháng năm 2014 của tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương, chín tháng của năm 2014, tổng sản phẩm (GRDP) của Đồng Nai đạt gần 87.000 tỷ đồng, đạt trên 73% kế hoạch năm và tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2013.Nhìn chung tất cả các lĩnh vực, gồm sản xuất công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, đến nông-lâm-thủy sản đều tăng so với cùng kỳ.Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến tăng 7,65%. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng chín tháng năm 2014 tăng 20,85% so với cùng kỳ do tình hình tiêu thụ các loại đá, cát xây dựng hiện nay vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng.Các hoạt động khác của kinh tế cũng có những tín hiệu tích cực. Theo đó, hoạt động sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng giữ được mức tăng trưởng khá so cùng kỳ và so kế hoạch đề ra; thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước đều tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2013.Theo ông Lê Văn Dành, tăng tưởng ngành công nghiệp đã tác động mạnh đến tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu chín tháng đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng gần 16% so cùng kỳ; nhập khẩu đạt gần 8,9 tỷ USD.Như vậy, tính đến hết quý 3, Đồng Nai đã xuất siêu khoảng 300 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đối với các nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến như giày dép, dệt may; gỗ-sản phẩm gỗ và phương tiện vận tải-phụ tùng tăng khá.Đáng chú ý là một số mặt hàng nông sản của tỉnh cũng có mức tăng cao so cùng kỳ cả về lượng và giá trị như cà phê tăng 42,9%; hạt điều tăng 42,7%; hạt tiêu tăng 13,9%.Sở dĩ tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu đạt cao là do thị trường một số nước phát triển như Mỹ, EU, Đông Âu đã phục hồi khá tích cực.Trong nước, các hiệp định thương mại tự do được ký kết cũng đã có tác động tích cực đối với sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.Bên cạnh đó, ngành công thương đã phối hợp tổ chức hội nghị “Phát triển thị trường xuất khẩu Đồng Nai năm 2014” nhằm chia sẻ thông tin cơ hội, thách thức, tiềm năng thị trường xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp Đồng Nai có giải pháp chiến lược phát triển sản phẩm, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu vào một số thị trường trọng điểm, tiềm năng trong năm 2014 và các năm tiếp theo.Theo ông Dành, nguyên nhân quan trọng, tác động trực tiếp đến tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu là thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thuế, hải quan, về vấn đề đầu tư. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường và cơ chế chính sách.Thông qua các chương trình cụ thể là bình ổn thị trường, chuyển dịch cơ cấu, đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, địa bàn nông thôn trên địa bàn, tỉnh đã tích cực giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, ổn định sản xuất và phát triển.Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng Chín, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,19 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.Đặc biệt, tiến độ giải ngân vốn được đẩy mạnh với 875 triệu USD, tăng trên 23% so cùng kỳ, đạt 87,5% so với kế hoạch cả năm.Cơ cấu ngành đối với các dự án đầu tư mới cấp giấy chứng nhận đầu tư chuyển dịch đúng hướng, trong 50 dự án công nghiệp cấp mới có 17 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nguyên nhân thu hút đầu tư tăng cao nhờ sự nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng trong xử lý hồ sơ của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.Bên cạnh đó, các đợt xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tổ chức hiệu quả khiến các nhà đầu tư nước ngoài đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư ngày càng nhiều.Trong chín tháng đầu năm 2014, công tác cải cách hành chính tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, toàn tỉnh đã có chín đơn vị cấp huyện thực hiện tốt chương trình "một cửa liên thông" hiện đại.Việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã làm giảm sự phiền hà cho nhân dân, nhất là sự phiền hà của doanh nghiệp. Thông qua khảo sát cho thấy mức độ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện.Để duy trì nhịp độ phát triển của các ngành sản xuât và xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương thực hiện tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.Cục Thuế, Hải quan thực hiện tốt chỉ thị của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát lại các dự án của tỉnh, huyện, đẩy nhanh tiến độ các công trình đảm bảo thời gian.Các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các sở, ngành cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông báo các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh.Từ nay đến cuối năm, ngành công thương sẽ tập trung chỉ đạo khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, tiêu thụ hàng hóa; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.Bên cạnh đó, ngành công thương cũng theo dõi sát biến động thị trường để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.Ngoài ra, ngành công thương tập trung nắm tình hình sản xuất kinh doanh nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; nâng cao nhận thức và thực hiện tốt chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo, tuần hàng Việt Nam; phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa để bảo đảm tính liên thông, giảm dần các khâu trung gian đẩy giá hàng hóa tăng cao./. Lê Hiền
Nguồn (TTXVN/VIETNAM+)