Từ gặt lúa đến trồng rừng
Khá bất ngờ khi nghe anh Ngô Đồng Ân (47 tuổi) - chủ thầu xây dựng ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên, nói: “Mai mình về quê cắt lúa”. Bởi tôi biết anh luôn túi bụi với các hợp đồng công trình, dưới trướng có trên 10 nhân viên phải trả lương; có lúc, một số công trình do anh nhận thầu sử dụng trên 100 lao động.
Vợ chồng ông Đinh Văn Hùng đang chăm sóc cây vườn tại “Biệt thự Rắn”. Ảnh: H.P
Ông Nguyễn Đồng Ghi - Chủ tịch Hội ND phường 9 (Tuy Hòa) tâm đắc: “Tôi quen biết nhiều anh chị làm nghề bàn giấy, kinh doanh nhưng sản xuất nông nghiệp rất giỏi. Nhiều người dành thời gian, công sức đầu tư rất bài bản nên thu nhập từ ruộng vườn khá cao, đôi khi hơn cả tiền lương của nghề “tay phải”. Nhiều anh chị không là hội viên nhưng rất siêng năng đi dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, do Hội ND địa phương tổ chức”.
|
Theo anh Ân, hơn 20 năm theo nghiệp xây dựng, anh vẫn tự tay làm mấy sào ruộng dưới quê của cha mẹ. Đến ngày làm đất, gieo sạ hay thu hoạch là mẹ anh điện về làm. “Nhiều lúc rất lu bu công chuyện nhưng hễ nghe tin mấy sào ruộng có việc là mình nhảy về làm ngay. Khi cao điểm thì mình thuê thêm vài nhân công để cùng làm cho nhanh. Nói thiệt, lớn lên ở vùng đồng bằng Tuy Hòa, mình nhiễm “máu” làm lúa rồi! Mỗi lần về ruộng chỉ thấy khỏe người thêm, chớ không mệt nhọc gì. Lúa do tự tay mình chọn giống, chăm sóc theo hướng sản xuất an toàn nên gạo ăn rất yên tâm. Vả lại, có mấy mối đặt hàng gạo ruộng nhà theo yêu cầu của họ, nên mình không bỏ được mấy sào ruộng” - anh Ân cười.
Với ông Mạnh Minh Tâm - một chuyên viên lâu năm ở Sở VHTTDL Phú Yên, việc tích góp mua 2ha đất trồng rừng ở quê là để giữ “phẩm cách gốc rạ”. Cuối mỗi tuần, vợ chồng ông đều chạy xe máy vài chục cây số để về “lột áo” chăm chút vựa cây keo lai và bạch đàn. “Vừa rồi, tôi khai thác 1ha bán gỗ nguyên liệu, kiếm lãi được vài chục triệu. Có miếng đất sản xuất, như có chút “của hồi môn” trong nhà, góp thêm tiền nuôi con ăn học và chi tiêu rủng rỉnh hơn” - ông Tâm cho hay.
Tương tự, anh Nguyễn Quốc Bửu (30 tuổi, làm công nghệ thông tin ở TP.Tuy Hòa) vẫn đảm trách duy trì trên 10ha rừng trồng ở xã Hòa Định Tây, Phú Hòa (Phú Yên). Một phần diện tích đất rừng này do cha mẹ giao làm, phần còn lại do anh tự tích góp để mua dần.
Bửu cho biết: “Đất núi nung nóng mùa nắng, xói lở mùa mưa, muốn rừng trồng hiệu quả thì không thể giao đứt cho trời, phải thường xuyên dọn cây bụi, phát rãnh để phòng cháy rừng vốn rất dễ xảy ra ở vùng này. Mỗi lần có sự cố cháy rừng là cực khổ trăm bề, nhất là cháy vào ban đêm; nếu chủ quan để cháy lan rộng là dễ vướng vòng lao lý! Nhưng nói chung, trồng rừng ở đây vẫn có ăn”.
Trước chơi, sau bán
Với thầy giáo Đào Tấn Trực (41 tuổi) ở Trường THPT Lê Thành Phương, huyện Tuy An, Phú Yên), việc trồng trọt như là… cơm ăn, nước uống. “Tôi từ làng quê ra đi nhưng cái “máu đào đất” cứ theo mãi. Hiện đất nhà không rộng nên tôi chọn trồng sứ và phong lan. Ban đầu, chỉ để chơi khuây khỏa sau giờ dạy, nhưng rồi giao lưu với anh em nghệ nhân, tôi mở rộng đầu tư, chuyển dần sang trao đổi, mua bán sinh vật cảnh. Bây giờ Facebook của tôi cũng chính là nơi quảng bá bán các loại sứ kiểng, phong lan” - thầy Trực bộc bạch.
Qua thầy Trực, tôi biết người trồng lan “khủng” Bùi Minh Hội (hiện là chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên). Tôi thực sự “mở mang” về lan khi ghé nhà Hội ở làng hoa Ninh Tịnh (Tuy Hòa). Khoảnh sân chỉ chừng 100m2 đã được Hội sắp xếp hợp lý cho hàng ngàn chậu lan, với nhiều giống loài lạ mắt, giá trị cao. Bên dưới các giàn lan là hệ thống hồ sinh thái tỏa hơi nước mát rượi...
Anh Hội hồ hởi: “Từ nhỏ, mình đã phụ giúp cha mẹ trồng hàng ngàn chậu cúc, mai mỗi năm. Khi ra trường đi làm, mình cũng định đầu tư hoa chậu nhưng lại thiếu mặt bằng. Học hỏi qua bạn bè, mình bắt tay dựng giàn trồng lan; ban đầu là để chơi nhưng dần dà có thu nhập kha khá. Túc tắc 10 năm rồi, có bao nhiêu tiền bạc và thời gian rảnh là mình đổ hết vào lan. Cũng khó khăn lắm mới thuần thục với nghề lan, bởi nhiều giống rất đỏng đảnh, lơ mơ là chúng chết rụi. Thị trường sinh vật cảnh lúc này khá sôi động, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để có chậu lan ưng ý. Không có gì mê man bằng lan đâu anh!”.
Bởi niềm đam mê vườn tược, vợ chồng ông Đinh Văn Hùng (58 tuổi, kỹ thuật viên Đài PTTH Phú Yên) đã bán căn nhà phố, mua một vạt đồi để cất lại nhà và… cuốc đất. Buổi đầu, ai cũng nói ông dại, bởi “đang yên đang lành, lại chuyển tới nơi khỉ ho cò gáy”. Mà đúng là “trời hành”, những ngày đầu chuyển ra khu đồi, thỉnh thoảng vợ ông tá hỏa khi ngủ dậy thấy rắn bò vào nhà.
“Điều này càng thôi thúc tôi nhanh chóng phát quang các bụi rậm để vỡ đất trồng trọt. Hết giờ làm việc ở đài, tôi về lột áo ra là miệt mài đào xới, chăm tưới cây cối, nuôi gà, vịt… Tôi làm để thỏa sức sống với thiên nhiên, thu nông sản sạch cho gia đình ăn, còn lại đem bán các mối quen” - ông Hùng bộc bạch.
Bà Tuyết - vợ ông Hùng, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, khoe: “Hồi trước, tôi cố trồng trọt có rau trái sạch cho con ăn. Giờ con đi làm xa hết rồi, cái vườn này là “của quý” để vợ chồng chuẩn bị về hưu. Vườn nhà canh tác theo hướng nông nghiệp sạch nên hễ có đợt thu hoạch chuối, dừa, đu đủ, rau xanh, vịt, gà… là anh em đồng nghiệp đặt hàng tới tấp. Vợ chồng tôi cảm thấy rất vui, có thêm thu nhập phụ vào đồng lương hành chính…”.
Theo: Hùng Phiên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn