Nghị định 103 ban hành năm 2012 thay thế cho Nghị định 70 năm 2011 của Chính phủ quy định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức lương hiện nay 250.000-350.000 đồng/tháng. Mức lương này sẽ được áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I là 2.350.000 đồng/tháng (hiện nay là 2.000.000 đồng/tháng), vùng II: 2.100.000 đồng/tháng (hiện nay 1.780.000 đồng/tháng), vùng III: 1.800.000 đồng/tháng (hiện nay 1.550.000 đồng/tháng) và vùng IV: 1.650.000 đồng/tháng (hiện nay 1.400.000 đồng/tháng).
Cũng liên quan đến quyền lợi của người lao động, Nghị định 100/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2008 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 15/1/2013) sẽ giãn thời hạn đăng ký thất nghiệp từ 7 ngày lên 3 tháng.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, người lao động nếu chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.
Một chính sách khác thể hiện giá trị là tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng. Đây là nội dung quy định trong Bộ luật lao động sửa đổi, đến 1/5/2013 mới có hiệu lực. Tuy nhiên, với những chị em nghỉ sinh từ đầu năm mà chưa phải đi làm trở lại sau thời điểm 1/5 năm nay sẽ được nghỉ thêm 2 tháng như người bắt đầu nghỉ từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành.
Song luật cũng quy định cho chị em được linh hoạt lựa chọn, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.
Cũng từ 1/1/2013, Thông tư 197/2012 về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện chính thức được áp dụng. Bảng phí cụ thể trong Thông tư thể hiện, mức phí đối với xe ô tô, xe tải từ 1,56 đến 12,48 triệu đồng/năm, mức phí đối với xe máy là từ 50 đến 150 nghìn đồng/năm. Các hành vi trốn phí, ngoài việc bị truy thu sẽ còn bị phạt với mức phạt khá cao: xe máy từ 800 nghìn- 1,2 triệu đồng; xe ô tô từ 6 – 10 triệu đồng.
Trong lĩnh vực văn hóa, Nghị định số 79 ban hành ngày 5/10/2012 đưa ra nhiều quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Ngoài các quy chế, quy định về nghệ thuật biểu diễn hiện hành, Nghị định 79 bổ sung thêm những quy định mới để điều chỉnh một số vấn đề phát sinh gần đây trong thực tiễn hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu...
Nhóm quy định nổi bật gây nhiều quan tâm hiện nay là những hành vi bị cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu… của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Ngoài những văn bản, quy định dưới luật này, thời điểm 1/1/2013 cũng có tới 10 luật Quốc hội vừa thông qua trong năm 2012 có hiệu lực thi hành.
Luật Biển Việt Nam là kết quả quan trọng của hoạt động lập pháp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo của Tổ quốc. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam.
Chủ quyền xác thực đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể hiện cụ thể trong luật Biển. Trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.
Luật Giá có điểm mới nổi bật là bổ sung mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với các hình thức định giá.
Các mặt hàng thiết yếu khác cũng được nhà nước thực hiện bình ổn giá như xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh…
Việc bình ổn giá được thực hiện khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục quy định có biến động bất thường hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Liên quan đến việc quản lý mặt hàng sữa trẻ em, luật Quảng cáo nâng quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ từ mốc dưới 12 tháng tuổi lên mốc dưới 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Các luật khác được chính thức áp dụng từ ngày đầu tiên của năm 2013 gồm: Luật Giáo dục đại học, Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn