Ngư dân đóng “Tàu 67” vươn khơi khai thác thủy sản Ảnh: Xuân Trường
Trong đó, phạm vi điều chỉnh về chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản. Trong đó, có nhiều điều khoản rất đáng chú ý.
Cụ thể, khoản 1, khoản 3 Điều 3 được sửa đổi như sau:
Khoản 1: Ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 5 Trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực).
Khoản 3: Ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án do Bộ, ngành trung ương quản lý đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng sản xuất giống tập trung, bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung; nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm giống thủy sản cấp vùng; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp trung ương và cấp vùng;
Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 4: Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Sửa đổi Khoản 3 Điều 4: Về chính sách cho vay vốn lưu động: Đối tượng được vay vốn là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bổ sung điểm 4a - Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư. Đối tượng là chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên, cụ thể: Tàu đóng mới thuộc số lượng tàu đã được Bộ NN&PTNT phân bổ cho các tỉnh; tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90 CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: lưới vây, lưới rê (trừ lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.
Điều kiện: Chủ tàu là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, HTX nghề cá được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt; Tàu đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite; Tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng; Tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh và kết nối được với trạm bờ để quản lý, giám sát hành trình trong quá trình tàu hoạt động trên biển; Tàu khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản; Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
Mức hỗ trợ: Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ thép (bao gồm cả các trang thiết bị mới): Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800 CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
Cùng đó, để đảm bảo việc đóng tàu được thực hiện xuyên suốt và phù hợp với từng ngành nghề khai thác, Nghị định đã bổ sung khoản 5, khoản 6 vào Điều 12. Cụ thể như sau: Chủ tàu phải có trách nhiệm thực hiện giám sát thi công trong suốt quá trình đóng mới, cải hoán, duy tu, sửa chữa tàu cá. Thuê tư vấn giám sát nếu chủ tàu không đủ năng lực giám sát; chi phí thuê tư vấn giám sát được tính vào tổng giá trị đầu tư đóng tàu. Trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới tàu cá hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới tàu nhưng chuyển quyền thực hiện dự án cho chủ tàu mới, khi chủ tàu mới đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này thì chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ và thực hiện các nghĩa vụ của dự án được tiếp nối.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2018. Các chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1/2018.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn