Làng quê thay da, đổi thịt
Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận cho biết, là tỉnh thuần nông, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, xuất phát điểm xây dựng NTM của tỉnh Ninh Thuận khá thấp, với 35 xã thuộc nhóm khó khăn dưới 5 tiêu chí và 12 xã trung bình từ 5 - 9 tiêu chí (theo bộ tiêu chí cũ). Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh; chất lượng lao động trong khu vực nông thôn còn rất thấp, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao 91,5%; sản xuất và đời sống của người dân nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu…
Nghề nuôi hàu sữa trên biển vừa giúp người dân Ninh Thuận có thu nhập
và tạo công ăn việc làm ổn định. Ảnh: C.T
Thế nhưng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có sự chuyển biến tích cực. Đời sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng cao.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 11,96 triệu đồng/người/năm (năm 2011) đến năm 2018 đạt 25,82 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần.
Tính đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 72 HTX, trong đó, trên địa bàn 47 xã có 57 HTX, chủ yếu là HTX nông nghiệp. Các HTX có vai trò quan trọng trong chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất; xu hướng liên kết giữa HTX với doanh nghiệp ngày một phát triển thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của tỉnh. Ngoài việc góp phần tích cực vào việc tăng trưởng và phát triển kinh tế tỉnh, HTX còn là chỗ dựa cho kinh tế hộ cùng phát triển, tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ cho sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 32.417 lao động nông thôn. Đến nay, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế của tỉnh có 346.000 người, tăng 20,2% so với năm 2010. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần theo các năm, đến cuối năm 2018 đạt 56,86%, tăng 12,44% so năm 2011.
Đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện Thuận Nam đã có 3 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt 4 xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 16 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí…”. Ông Lê Huyền - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam |
Đặc biệt, hạ tầng cơ sở đã được chú trọng đầu tư, nhất là trường học, trạm y tế, đường giao thông… đã đáp ứng được yêu cầu phát triển và phục vụ dân sinh. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 22 chợ nông thôn được đầu tư xây mới và nâng cấp cải tạo, với kinh phí gần 38,9 tỷ đồng, nâng tổng số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh lên 82 chợ. Ngành điện đã đầu tư 379 trạm biến áp và 400km đường điện trung, hạ thế trên địa bàn các xã, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
“Thai nghén” những miền quê đáng sống
Ông Nguyễn Văn Tính - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, Hội luôn tích cực tuyên truyền cho các hội viên, nông dân nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều dự án, mô hình thiết thực như: Tưới nước tiết kiệm, sản xuất cánh đồng mẫu lớn, trồng măng tây xanh, bưởi da xanh, nuôi cá bớp, nuôi bò vỗ béo, nuôi hàu sữa, nuôi lợn đen, trồng táo kết hợp với chăn nuôi. Ngoài ra, Hội ND còn huy động các nông dân tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động để làm đường, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đến với xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về miền quê nơi đây, ấn tượng đầu tiên là những con đường rực rỡ sắc hoa. Tuyến đường này còn trang bị hệ thống chiếu sáng, thùng bỏ rác và xung quanh được trồng những cây hoa rất bắt mắt và trở thành miền quê đáng sống. Xã Phước Ninh đang phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt chuẩn NTM.
Ông Lê Huyền - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM phải huy động nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp, từ chính sách phù hợp nên người dân và doanh nghiệp đồng thuận đóng góp xây dựng NTM. Tổng vốn đầu tư huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn từ 2010 - 2020 đạt trên 708,7 tỷ đồng”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng đã được các cấp hội, đoàn thể và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách phát triển sản xuất.
Trong 10 năm qua, trên địa bàn huyện đã có 12.045 cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn, với số tiền trên 414 tỷ đồng để đầu tư các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trên địa bàn thời gian qua cũng đang xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất giống lúa nguyên chủng, trồng cây ăn quả…
Theo Công Tâm/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn