Trước đây, công tác đào tạo nghề ở huyện chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với lao động nông thôn. Việc chọn nghề và đào tạo nghề chưa có định hướng cụ thể hoặc chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Ngay sau khi có Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1956 và phê duyệt Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ðồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt sâu rộng nội dung Quyết định 1956 và kế hoạch thực hiện của UBND huyện tới các xã, thị trấn trong huyện về mục tiêu, đối tượng, các hoạt động của đề án. Thông qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Trồng rau màu đem lại hiệu quả phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: CHÍ THANH |
Từ đầu năm đến nay, huyện đào tạo, dạy nghề cho 3.753 lao động. Trong đó, đào tạo nghề theo Quyết định 1956 là 538 lao động. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu gồm: may dân dụng, kỹ thuật nuôi cá sặt rằn, kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến, kỹ thuật trồng hoa kiểng, sơ cấp thú y, trồng rau màu, nuôi lươn không bùn, nữ công gia chánh. Nhìn chung, những sau khi được đào tạo có khoảng 70-90% lao động có việc làm ổn định tại chỗ; ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt, các lớp chuyển giao kỹ thuật, sơ cấp đã mang lại hiệu quả trong việc phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Diễm, ở khóm 4, thị trấn Trần Văn Thời, vừa được học lớp sơ cấp thú y, cho biết: “Sau khi học lớp sơ cấp thú ý xong, tôi về áp dụng trong việc chăn nuôi gà, vịt của gia đình. Trước đây, gà, vịt bị bệnh mình không hiểu nguyên nhân nên không biết mua thuốc gì cho uống hay tiêm phòng, nhưng giờ thì biết rồi, tôi tin là mình sẽ chăn nuôi hiệu quả”.
Ông Phan Trung Thanh, ở khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, sau khi học lớp kỹ thuật nuôi cá sặt rằn, ông nắm vững được cách sên vét ao đầm, cách chọn con giống, cách ép giống, quy trình cho cá ăn và phòng ngừa bệnh, từ đó áp dụng vào thực tế của gia đình và đạt hiệu quả cao.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của dạy nghề cho nông dân. Thông qua các lớp dạy nghề, người lao động nông thôn trong huyện có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà ngày càng phát triển.
Trong thời gian tới, huyện Trần Văn Thời tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt Quyết định 1956 nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, công nhân kỹ thuật có tay nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Ðây cũng là tiền đề để xây dựng nông thôn mới./.
Theo: vtvcantho.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn