Đơn vị thi công rất rốt ráo để kịp đóng điện vào cuối năm nay để bà con có điều kiện đón tết.
Cuộc sống tốt hơn khi có điện
Đề án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia được triển khai thực hiện đã đáp ứng kịp thời niềm mong mỏi của người dân trong tỉnh. Minh chứng là cuộc sống của người dân ở ấp 6 và ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ đã thay đổi rõ rệt sau gần 1 năm tiếp cận điện lưới quốc gia. Giai đoạn 1 của Đề án 2081 đã mang nguồn điện đến cho gần 1.500 hộ. Năm 2017, giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 20,7 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ có thêm gần 950 hộ dân thuộc các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy tiếp cận điện lưới quốc gia. Theo kế hoạch, đề án được hoàn thành và đóng điện trước Tết cổ truyền của dân tộc.
Ghé thăm gia đình ông Đoàn Văn Sách, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, bên ngôi nhà khá khang trang, nhưng các thiết bị sử dụng điện trong nhà chỉ có mỗi cái môtơ bơm nước là giá trị. “Tôi cùng 3 nhà nữa xin câu đuôi của một hộ bên ấp 8 rồi kéo về, cả đoạn đường dài gần cả cây số. Lúc trước có tivi nữa, mà điện câu đuôi xem truyền hình cũng không được. Ngày nào mưa bão thì ai cũng rầu, phần sợ dây đứt không có điện xài, phần thì sợ lỡ ai đi ngang đoạn dây bị đứt thì không biết chuyện gì xảy ra”, ông Sách bộc bạch.
Còn anh Đoàn Văn Thông (con ông Sách) vừa ra riêng, nhưng các thiết bị cũng dừng lại ở 2 bóng đèn điện, 1 môtơ. Nhưng tiền điện phải trả mỗi tháng trở thành gánh nặng với vợ chồng anh. “Ít gì cũng 200.000 đồng/tháng, chủ điện cho câu đuôi bảo sao thì đóng vậy chứ không ai biết hóa đơn tính tiền là bao nhiêu. Xài điện câu đuôi thì phải chịu thiệt thòi rồi. Bao nhiêu tiền kiếm được đều để dành nuôi con và trả tiền điện. Vậy nên, khi nghe tin sắp kéo điện về xóm này ai cũng mừng”, anh Thông tâm sự.
Thực tế, khi chưa có nguồn điện lưới quốc gia, người dân nông thôn ở các xã như Lương Nghĩa, Xà Phiên thuộc huyện Long Mỹ còn gặp khó khăn về đời sống sinh hoạt và phát triển sản xuất. Những khó khăn này làm bà con khó có cơ hội tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất thấp, hiệu quả không cao, kinh tế chậm phát triển. “Điện yếu, cứ tối đến là chập chờn nên gia đình không thể xem tivi để nắm bắt thông tin. Cả nhà chỉ mong có ánh đèn sáng để sinh hoạt buổi tối tiện hơn thôi. Ở xóm này, người dân không phải không biết tìm cách làm giàu, nhưng do không có điện chúng tôi không biết làm gì được”, anh Thông chia sẻ thêm.
Rốt ráo hoàn tất cho kịp đón tết
Cả tỉnh hiện còn hơn 3.000 hộ dân chưa tiếp cận được nguồn điện lưới quốc gia. Chủ yếu là ở các xã vùng sâu, vùng xa, các tuyến chưa có đường đi, giao thông còn khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt lại nằm sâu trong kênh, rạch. Do vậy, suất đầu tư cấp điện nông thôn trên một hộ rất cao nên việc thực hiện đưa điện về các địa điểm này luôn gặp trở ngại. “Chính phủ phê duyệt đề án này đều có tính toán đến lợi ích cho người dân, đặc biệt là các hộ thụ hưởng từ đề án sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào. Toàn bộ vốn đầu tư chia thành 2 nguồn từ của ngành điện và nguồn vốn của tỉnh. Chúng tôi chia vốn thực hiện theo từng năm và dự kiến kết thúc vào năm 2020. Ở mỗi nơi đề án đi qua, ngành điện luôn mong bà con, chính quyền địa phương hết mình hỗ trợ cho công tác triển khai mau chóng, thuận lợi”, ông Nguyễn Viết Thọ, Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, cho biết.
Từ những ngày đầu tháng 10, nhiều thợ điện thuộc đội thi công tại địa bàn xã Lương Nghĩa, Xà Phiên đã chuẩn bị vật tư, thiết bị và trang bị bảo hiểm để dựng trụ, kéo đường dây. Có thể nói đây chính là công đoạn vất vả nhất trong kế hoạch công việc đề ra. Theo anh Trần Kế Dân, nhân viên Công ty CP Xây lắp Toàn Tâm - đơn vị chịu trách nhiệm thi công thì cắm trụ điện là công việc được xem là khó khăn nhất.
Nếu phía trên đường lớn chỉ cần mất 1 tiếng đồng hồ là dựng xong trụ hạ thế, 2 tiếng thì xong trụ trung thế, thì vào các khu vực nông thôn sâu như tuyến kênh Tắt (ấp 7, xã Lương Nghĩa) phải mất gấp đôi thời gian, cho nên tiến độ dự án có phần chậm. Đường đi không có, các nhánh rẽ khách hàng nằm rải rác khiến việc vận chuyển thiết bị vô cùng vất vả. “Có đoạn không có đường đi, mọi công tác vận chuyển phải hoàn toàn bằng đường thủy. Đến địa điểm dựng trụ, anh em đội thi công sẽ dùng nhiều cách kết hợp từ máy móc cho đến cả sức người mới nâng được trụ lên. Thường thì trụ dựng trên đất dân nên chúng tôi phải vừa làm vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu”, anh Dân chia sẻ.
Anh Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - Vật tư, Điện lực Long Mỹ, cho biết: Đa phần người dân đều ủng hộ hết mình cho đội thi công, nhưng cũng có trường hợp người dân không cho cắm trụ. Khi đó, chúng tôi phải thay đổi phương án khác. Các hộ ngăn cản thường nằm ở đầu kênh, nhà đã có điện nên không chịu hỗ trợ cho đơn vị thi công. Nhưng rất vui vì qua công tác vận động của chính quyền địa phương, ở các tuyến khác đều triển khai suôn sẻ. Mặt khác, đề án triển khai vào mùa mưa nên việc tạm dừng thi công cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Đơn vị thi công chia thành 3 nhóm, hiện nhóm ở xã Lương Nghĩa đã cắm trụ ở 3 tuyến là kênh Tắt, tuyến Thị Khuýt - Thị Phi, tuyến Tư Rau - Út Vẹn. Đến cuối tháng 11 này sẽ hoàn thành 80% khối lượng. Đơn vị thi công rất rốt ráo để kịp đóng điện vào cuối năm nay để bà con có điều kiện đón tết vui vẻ.
Bài, ảnh: KIM ĐIỀU/baohaugiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn