Huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn ở Bản Vược (Bát Xát)
Nỗ lực thực hiện Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân diện mạo của nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi thay. Nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn, việc phát triển giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương.
Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố nền tảng quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần vào hoàn thành chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương cơ sở chủ động huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư của Nhà nước và vốn trong nhân dân để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Trong 10 năm (2009-2019), toàn tỉnh huy động được hơn 19.119 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung nhiều cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vùng nông thôn. Riêng trong giai đoạn 2016-2019, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên đến 70% nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhờ đó, sau 10 năm, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 5.447 km đường giao thông nông thôn; Trong đó, đường bê tông xi măng đạt hơn 2.903 km, đường rải cấp phối đạt 1.483,37 km và mở mới được 1.095,74 km giao thông nông thôn.
Để huy động nguồn lực trong dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường giao thông nông thôn nên đã làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Đặc biệt qua các buổi tuyên truyền, người dân đã tự nguyện di chuyển công trình, hoa màu, hiến đất để giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền mặt, cát, sỏi, xi măng, ngày công lao động… để thi công các tuyến đường.
Thông qua công tác tuyên truyền đã vận động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân tham gia ủng hộ được trên 1.200 tỷ đồng; trong đó có gần 90 tỷ đồng tiền mặt, trên 392 ha đất, trên 05 triệu ngày công lao động, 121 km đường giao thông, 219 máy trộn bê tông; 3.690 tấn xi măng, trên 2.100m
3 đá, cát, sỏi và rất nhiều hiện vật khác....giá trị trên 74 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tích cực tham gia thi công các tuyến đường người dân còn trực tiếp kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, khai thác và bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, do đó chất lượng công trình được nâng cao, hiệu quả khai thác từng bước được nâng lên. Công tác duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư đã được các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời duy tu, sửa chữa để các công trình hoạt động hiệu quả.
Đến nay toàn tỉnh có 70/143 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Khảo sát thực tế cho thấy, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều có đường ô tô đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến các thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông đảm bảo chất lượng tốt, đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm cơ bản được cứng hóa không bị lầy lội trong mùa mưa. Hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn; điều kiện phục vụ sản xuất thuận lợi hơn, sản phẩm của nông dân được thông thương tiêu thụ tốt hơn, năng suất, chất lượng và giá cả đều nâng lên rõ rệt.
Khắc phục khó khăn Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông còn nhiều (hơn 50%).
Theo đánh giá của các địa phương, các nội dung chưa đạt chuẩn chủ yếu là tỷ lệ km đường trục thôn, đường ngõ xóm chưa được cứng hóa theo quy định. Nguyên nhân do các xã có số km đường giao thông lớn, suất đầu tư cao, trong khi đó ngân sách nhà nước phân bổ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm ở những địa phương này rất khó khăn.
Đặc biệt, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn thực hiện về sau ngày càng khó khăn do địa hình phức tạp, chia cắt, dân cư sống không tập trung, do đó đòi hỏi kinh phí làm đường lớn; một số tuyến đường đã thực hiện bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình giao thông; việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường sau đầu tư ở một số địa phương chưa được chú trọng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và đường giao thông nông thôn nói riêng là chương trình toàn diện, lâu dài; nếu cấp ủy chính quyền quan tâm, triển khai chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và kiên trì mục tiêu, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của chương trình; phát huy vai trò làm chủ bằng sự tham gia, bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ thì đạt hiệu quả tích cực. Bởi vậy, để việc hoàn thành mục tiêu toàn bộ 143 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông nông thôn trong thời gian tới rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng đường giao thông nông thôn theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020, định hướng giai đoạn 2021- 2025 và 2025 - 2030 đã đề ra; chú trọng tập trung vào các xã đăng ký hoàn thành tiêu chí về giao thông theo kế hoạch.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp nhân dân; phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn bản trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo các xã cần chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao thời gian sử dụng cho các tuyến đường.
Đặc biệt, cần huy động tối đa nguồn vốn Trung ương, vốn tài trợ, ngân sách địa phương, vốn dân đóng góp và xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các công trình đường giao thông nông thôn đã xuống cấp. Tuy nhiên, phải lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.
Hằng năm, cấp huyện cần chủ động mở các lớp tập huấn nân cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt cấp xã, công chức cấp xã tham gia học tập, tập huấn về công tác quản lý, công tác tài chính, quản lý hồ sơ sổ sách; tăng cường cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, các tổ đội trực tiếp thi công đường giao thông nông thôn những nội dung về kiểm tra chất lượng vật liệu, tỷ lệ thành phần cấp phối, ghép ván khuôn, bảo dưỡng bê tông để đảm bảo kỹ thuật…Thực hiện được như vậy, chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thành công tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Theo Hồng Minh/laocai.gov.vn