Nếu như trước đây, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thì nay, phong trào này được thực hiện bài bản, khoa học hơn với sự chung tay, góp sức của “4 nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Thực hiện mục tiêu CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hành Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chỉ tính trong 5 năm, từ năm 2008 - 2013, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp ngân hàng vài trăm tỷ đồng cho trên 156.000 hộ nông dân vay vốn với mức ưu đãi, tăng 240% so với nhiệm kỳ 2003 - 2008. Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục duy trì thực hiện 123 dự án vay vốn tạo việc làm và 177 mô hình sản xuất khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ hội viên nông dân vùng khó khăn vật tư, thiết bị, nông cụ phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Mô hình trồng rau an toàn của nông dân TX Quảng Yên.
Để giúp nông dân có kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội đã phối hợp với các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư mở 6.612 lớp tập huấn nhằm phổ biến, hướng dẫn cho trên 597.000 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và phòng trừ dịch bệnh; tư vấn, giới thiệu cung ứng vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây, con, máy nông cụ cho nông dân đảm bảo chất lượng và phù hợp về giá cả.
Từ các hoạt động thiết thực, hiệu quả, bổ ích này đã thu hút hàng chục ngàn hộ nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với thị trường. Cũng thông qua các hoạt động này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, điển hình như hộ gia đình ông Hoàng Quang Nhật, thôn Đông Hải, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn. Trước đây, hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn, song với sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Vân Đồn đứng ra tín chấp, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, gia đình ông mạnh dạn đầu tư nuôi tu hài và hầu biển. Chỉ sau 5 năm đầu tư, đến nay gia đình ông thu về trên dưới 100 triệu đồng tiền lãi/năm. Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Và còn rất nhiều tấm gương hội viên Hội Nông dân điển hình tiên tiến khác nữa trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Những đóng góp của họ đã thêu dệt nên bức tranh đa màu sắc về phong trào thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu chính đáng trên chính quê hương, đồng ruộng của mình.
Theo báo cáo đánh giá, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49.293 hộ nông dân sản xuất kinh giỏi ở cả 3 cấp, đạt gần 50% tổng số hội viên Hội Nông dân toàn tỉnh. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi này đều có mức thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm, thậm chí có hộ nông dân đạt hàng tỷ đồng tiền lãi/năm.
Mô hình nuôi lợn rừng của nông dân huyện Tiên Yên.
Bằng tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, trong 5 năm gần đây, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã giúp đỡ trên 3.200 hộ hội viên nghèo, khó khăn với số tiền ủng hộ và cho vay không lấy lãi trên 11 tỷ đồng; ủng hộ trên 22.500 ngày công lao động; giúp nhau hàng chục tấn lương thực và nhiều loại cây, con giống để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình. Thông qua chương trình này, các cấp Hội Nông dân đã trực tiếp giúp đỡ 712 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn dưới 3,69% năm 2012.
Không chỉ tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh còn hăng hái tham gia các phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng xã nông thôn mới, thôn, bản, khu dân cư văn hóa; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, bể chứa rác thải trên cánh đồng; vận động hội viên nông dân ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển sắp xếp chuồng trại hợp lý, thu gom, xử lý rác thải… góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.
Với những kết quả có được, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, qua đó, củng cố lòng tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tổ chức hội ngày một vững mạnh toàn diện./.