Những tác động từ thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mưa axit… tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của người nông dân. Cùng với đó, các loại cây trồng còn bị tác động bởi nhiều loại nấm bệnh gây hại.
Diễn biến dịch bệnh phức tạp đã gây thiệt hại nặng cho người nông dân |
Đơn cử, tại Gia Lai, thủ phủ hồ tiêu của Việt Nam hiện đang rơi vào cảnh hàng ngàn ha hồ tiêu bị chết khô, người trồng hồ tiêu chưa kịp gượng dậy thì tiếp tục hứng chịu cảnh tiêu chết hàng loạt. Nhiều nông hộ trồng tiêu cho hay, bệnh trên cây tiêu khi nhiễm bệnh phát rất nhanh, khiến người nông dân trở tay không kịp.
Cây tiêu bị chết nguyên nhân chính là nhiễm các bệnh về rễ, mà tác nhân chính là do tác động tiêu cực của thời tiết, hạn hán kéo dài, rồi đến mưa dầm… Cùng với đó, giá tiêu giảm mạnh cộng với dịch bệnh hoành hành khiến người trồng tiêu vô cùng khốn đốn.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, thời gian qua, tình hình dịch hại trên cây hồ tiêu vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, đến cuối tháng 8/2017, Gia Lai có khoảng 250 ha hồ tiêu bị chết do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có khoảng gần 100ha do ảnh hưởng khô hạn năm ngoái, còn lại là bị bệnh. Nhiều diện tích hồ tiêu chết do bị bệnh từ các năm trước nhưng chưa được nông dân thu gom, tiêu hủy, xử lý theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn tiếp tục lây lan gây thiệt hại cho sản xuất.
Theo một nông hộ trồng thanh long ở xã Cư Êbur, trên địa bàn có hàng trăm hộ trồng thanh long, riêng thôn 2 của xã trồng khoảng 60ha. Trong số đó, trồng lâu năm có, mới trồng có nhưng đều có điểm chung dịch bệnh hiện rơi vào thời điểm lúc cây đang cho quả dẫn đến thiệt hại về năng suất thu hoạch.
Thực tế cho thấy, cây thanh long trồng ở địa phương này nhiễm bệnh có xuất hiện các nốt đốm màu vàng, đỏ, nâu trên thân. Người dân địa phương gọi bệnh này là cây bị nhiễm nấm tắc kè. Cây trái nhiễm nấm tắc kè bị người dân vứt la liệt hoặc cho gia súc ăn...
Hiện do bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh nên nhiều chủ chán nản bỏ vườn, thậm chí có vườn cỏ dại leo lấp lên các trụ thanh long. Nhiều nông hộ cho hay, mặc dù chủ động phun xịt thuốc bảo vệ thực vật từ đầu mùa, song vẫn không triệt tiêu được bệnh. Bởi thời tiết mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi để bệnh phát sinh.
Theo đại diện UBND xã Cư Êbur, thanh long là loại cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các nông hộ. Do đó, trong việc chuyển đổi cây trồng, nhiều nông hộ của xã đã chặt bỏ các vườn cà phê già cỗi hết thời gian kinh doanh chuyển sang trồng thanh long. Hiện trên địa bàn có 129 ha thanh long được người dân các thôn 2, 3 trồng và mở rộng diện tích từ khoảng 5 năm trở lại đây.
Hiện tượng nhiều loại cây trồng trên địa bàn Tây Nguyên bị nhiễm bệnh, không những gây thiệt hại nặng cho người nông dân mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Trước tình hình bùng phát dịch bệnh trên các loại cây nông nghiệp chủ lực tại vùng đất đỏ bazan này, giám đốc chi nhánh một NHTM lo lắng, hiện các chi nhánh NHTM trên địa bàn cho vay nông nghiệp chiếm đến gần 90% tổng dư nợ. Diễn biến dịch bệnh có hại trên các loại cây trồng có chiều hướng gia tăng, khiến năng suất thấp, cùng với giá bán bấp bênh thì ảnh hưởng đến công tác thu nợ của ngân hàng là điều khó tránh khỏi.
Vị giám đốc này chia sẻ, đơn cử đầu tư vốn cho cây tiêu, trước tình hình như hiện nay, giá tiêu ở mức thấp làm cho nguồn thu trong dân giảm nhiều nên đang rà soát lại dòng vốn đầu tư đối với loại cây trồng này như thế nào cho hợp lý để tránh rủi ro cho cả nông hộ và nguồn vốn đầu tư của ngân hàng.
Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương cũng khuyến cáo, các nông hộ cần đầu tư theo quy hoạch định hướng của ngành nông nghiệp, không nên bất chấp chạy theo, như kiểu đầu tư theo phong trào, điều này rất rủi ro. Người nông dân cần theo sát định hướng, quy hoạch vùng, quy hoạch vùng cây nguyên liệu để vừa đảm bảo tính sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, vừa tránh được rủi ro.
Bài và ảnh Chí Thiện
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn