Tập trung tuyên truyền, vận động
Tiếp nhận chủ trương của tỉnh, các cấp Hội Nông dân triển khai trong toàn hệ thống, đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên, nông dân phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích. Thực tế cho thấy, nông dân ủng hộ tích cực, mua sắm hàng ngàn máy móc phục vụ sản xuất, đồng ruộng được cải tạo, diện tích đất được cày xới, tưới tiêu hoàn chỉnh tăng lên rất nhanh. Kênh mương, thủy lợi nội đồng, nước tưới cho sản xuất cũng quan tâm đúng mức để thúc đẩy sản xuất phát triển. Hơn 800.000 lượt hội viên, nông dân toàn tỉnh đã tham gia vào các công trình ở khắp các địa bàn.
Nổi bật là hệ thống đê bao chống lũ tháng 8 và bảo vệ ăn chắc vụ lúa hè thu, như: Công trình 30/4 (kênh Bưng Tiền, kênh Ba Xoài ở huyện Tịnh Biên); kênh liên xã (Châu Phú); đê bao ngăn lũ ở các huyện: Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới và TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc… Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều công trình giao thông nông thôn cũng được hội viên và nông dân hưởng ứng tích cực, như lộ: Huệ Đức (Thoại Sơn), Cần Đăng (Châu Thành), kênh xáng Vịnh Tre (Châu Phú)… Qua đó, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, gắn với giao thông và bố trí dân cư ngày càng hoàn chỉnh.
Trên dòng kênh Tám Ngàn
Mô hình “Tổ liên kết sản xuất” hình thành, thúc đẩy phát triển ngành nghề, nâng cao đời sống nông dân. Đến năm 1995, toàn tỉnh có 3.442 tổ liên kết sản xuất, UBND tỉnh cũng đã tổng kết chỉ thị về vấn đề này và xác định nền tảng ra đời mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đây là tiền đề cho việc tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở An Giang. Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” phát triển mạnh đã trở thành nòng cốt trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các mô hình “xã hội hóa” về “nông nghiệp – nông dân – nông thôn”.
Hiệu quả thiết thực
Đến nay, tổng số “Nông dân giỏi” được bình xét hơn 632.000 cá nhân và hơn 800 tập thể giỏi. Lực lượng “Nông dân giỏi” đã hướng dẫn, giúp đỡ hơn 1,2 triệu lượt lao động nông thôn và người nghèo có việc làm thời vụ. Đồng thời, lực lượng này đi đầu trong việc chuyển giao, ứng dụng và phổ biến các tiến bộ kỹ thuật về khuyến nông – khuyến lâm – khuyến ngư. “Nông dân giỏi” làm nòng cốt, tiên phong đi đầu góp công, góp của, chung tay cùng Nhà nước xây dựng trên 6.420km kênh mương, 764 tuyến đê bao, tôn cao trên 900km lộ vượt lũ.
Đặc biệt, việc xây dựng và sửa chữa trên 500 cầu, cống, nâng cấp trên 200 trạm bơm điện, bơm dầu phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng và trên 1 triệu ngày công lao động, đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh. Tính riêng giai đoạn 1988-1992, việc khai thác hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ngân sách tỉnh chi trên 33 tỷ đồng và nông dân đóng góp trên 39 tỷ đồng. Đó là chưa kể nông dân tự bỏ vốn ra để cải tạo đất trên 180 tỷ đồng. Trong 2 năm (2013 - 2014), tổng số tiền đóng góp xây dựng nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội của lực lượng “Nông dân giỏi” trên 262 tỷ đồng.
Mô hình “xã hội hóa” sản xuất lúa giống đã tăng dần khả năng cung cấp cho sản xuất. Năm 2004, lúa giống chỉ cung cấp được khoảng 30% cho nhu cầu, đến nay đã đáp ứng được 90%, với diện tích sản xuất lúa giống trên 12.000 héc-ta, góp phần cải thiện chất lượng hạt gạo, gia tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân. Về tham gia xây dựng nông thôn mới và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, vận động lực lượng “Nông dân giỏi” phát huy vai trò nòng cốt, thu hút hội viên và nông dân cùng làm theo.
Qua 4 năm (2011-2014) thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng vốn đầu tư trực tiếp trên 2.751 tỷ đồng và nông dân đóng góp gần 798 tỷ đồng. Phần lớn lực lượng “Nông dân giỏi” đều tham gia các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là làm nòng cốt thực hiện “Cánh đồng lớn”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn