Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Nhưng, việc phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản hiện nay của vùng ĐBSCL kém bền vững. Xuất khẩu tăng nhưng nông dân nghèo; khai thác tài nguyên kém hiệu quả, chất lượng và giá trị tăng thêm của các dòng sản phẩm chủ lực còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai ngày càng trở nên trầm trọng. Trong khi đó, các cơ chế, tổ chức và chính sách đầu tư các sản phẩm còn rời rạc, nhiều bất cập và kém hiệu quả. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhằm tìm ra những hướng đi giúp khu vực này phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu (Ảnh: Báo Nông Nghiệp) |
PV: Thưa bà, trong thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đối với khu vực ĐBSCL đã được ban hành. Tuy nhiên, tính hiệu quả khi áp dụng vào thực tế ra sao, bà có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu: Trong những năm qua, Chính phủ cũng có nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Trong đó nhiều chính sách liên quan đến đất đai, tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao…
Tuy nhiên, trong hệ thống cơ chế chính sách này vẫn còn một số những chính sách chưa đi được vào cuộc sống. Còn một số những bất cập, khả năng để người dân tiếp cận với chính sách chưa được đáp ứng. Ví dụ như chính sách về tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ cho người nông dân tăng thu nhập 30% thông qua hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vấn đề này, người nông dân chưa được hưởng lợi nhiều.
Còn như chính sách đầu tư cho máy móc nông nghiệp trên cơ sở phải có tỷ lệ nội địa hóa 60%, cũng khó áp dụng được với người dân. Chính sách tín dụng cho người nông dân liên quan rất nhiều đến việc phải thế chấp tài sản, nhà cửa…, người dân cũng khó tiếp cận. Vừa qua, Chính phủ cũng có gói hỗ trợ tài chính cho người nuôi cá tra, chăn nuôi nhưng người dân tiếp cận rất khó.
PV: Về phía Bộ NN và PTNT sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách nhằm tạo bước đi vững chắc cho khu vực có thế mạnh nông nghiệp phát triển?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu: Bộ NN và PTNT cùng với các Bộ, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, trên cơ sở nghiên cứu những chính sách hiện có, rồi cùng với các địa phương để rà soát lại những chính sách để phát huy được tác dụng những chính sách đã có. Những vấn đề nào còn thiếu và bất cập thì cần bổ sung và đánh giá được tác động của những chính sách này.
PV: Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng rất cần có những chính sách mang tính đột phá và phù hợp với tình hình thực tế của vùng. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu: Chúng tôi nghiên cứu để bổ sung những chính sách mới để tạo ra được những định hướng cho sản xuất của khu vực. Ví dụ, chính sách phát triển liên kết vùng, chính sách về hỗ trợ nông dân để tham gia các hợp tác xã. Rồi những chính sách để người dân tham gia vào sản xuất lớn theo các tiêu chuẩn như Viet Gap hay Globo GAP...
Bộ cũng sẽ chủ động trong việc phối hợp với các bộ ngành địa phương để sớm ban hành các cơ chế chính sách này để đưa vào sản xuất. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm là phải đi từ thực tiễn thì cơ chế chính sách mới đi được vào cuộc sống. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn điều kiện vùng miền để ban hành cơ chế chính sách phù hợp./.
PV: Vâng xin cảm ơn bà!/.
Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn