Theo ông Lê Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND xã cù lao Tân Phong (Cai Lậy), hiện trong xã có 8 điểm kinh doanh du lịch, thu hút mỗi tháng trên 1.500 lượt khách nước ngoài đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Đổ vốn làm homestay
Hôm chúng tôi đến điểm du lịch cộng đồng của anh Sáu Vân (Trần Văn Vân) thấy một số thợ xây đang hoàn chỉnh nốt các công đoạn của các phòng khách theo dạng nhà bungalow với diện tích nhỏ, tách biệt, nằm rải rác trong vườn cây ăn trái. Dưới ao, trong khu du lịch, khoảng 30 du khách nước ngoài đang bì bõm dưới bùn, reo hò mò bắt cá.
Theo anh Sáu Vân, sau thời gian thử nghiệm mô hình homestay cho khách nước ngoài thích “du lịch xanh”, khám phá, trải nghiệm văn hóa tại các vùng đất mới, anh đã đổ vốn xây dựng thêm 9 bungalow nhằm phục vụ khách nghỉ lại và cũng níu chân khách.
Một nhân công đang làm đường vào khu bungalow tại điểm du lịch cộng đồng của anh Trần Văn Vân (xã cù lao Tân Phong, Cái Bè, Tiền Giang)
“Trước đây tui trồng chôm chôm, đầu ra, giá cả bấp bênh lắm. Thấy khách du lịch đến địa phương ngày càng đông nên nhảy sang làm du lịch cộng đồng”, anh Sáu Vân chia sẻ.
3 năm làm du lịch cộng đồng, anh Sáu Vân nhận xét, nếu làm đúng bài bản, có khách thì thu nhập từ du lịch homestay “ăn đứt” trồng chôm chôm.
Tại đây, ngoài việc cho khách du lịch nghỉ lại qua đêm, anh Sáu Vân còn tổ chức cho khách các loại hình vui chơi miệt vườn, như: ẩm thực, tát đìa bắt cá, đạp xe đạp vòng quanh cù lao, thưởng thức đàn ca tài tử, chèo đò len lỏi trên kênh rạch…
Cách đấy không xa, cũng như anh Sáu Vân, chị Nguyễn Thị Hồng Huế cũng chuyển đổi vườn cây ăn trái thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Hiện, chị đã đầu tư 15 phòng nghỉ cho khách du lịch. Hệ thống phòng ốc này được thiết kế thành từng căn hộ biệt lập, hướng về vườn cây ăn trái tạo không gian riêng cho khách.
“Chúng tôi cố gắng bố trí các thiết kế mang nét văn hóa miệt vườn theo mô hình nông thôn truyền thống đặc sắc pha lẫn phong cách hiện đại, nhằm đem đến cho du khách một môi trường thư giãn tuyệt vời, một cảm giác thật gần gũi và thoải mái”, chị Hồng Huế thổ lộ.
Một du khách người Anh cho biết, đoàn anh chọn cù lao Tân Phong để tham quan, vui chơi vì cù lao có không gian thoáng mát của miệt sông nước, người dân hiếu khách, thân thiện, và mua trái cây tại vườn còn có giá khá hợp lý…
Tái cơ cấu vườn cây thành… du lịch miệt vườn
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang, Tiền Giang có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch cộng đồng do có nhiều sông ngòi, kinh rạch, vườn cây ăn trái đặc sản, các món ăn đặc trưng của địa phương, các làng nghề, lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc,….
Từ năm 1995, xuất phát từ sự tham gia của người dân trên cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), du lịch cộng đồng bắt đầu được hình thành, sau đó phát triển đến xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) và đang phát triển đến cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy).
Đến nay, ở 3 khu vực trên đã có hàng chục điểm du lịch cộng đồng, với gần 100 hộ nhà vườn, điểm kinh doanh các dịch vụ du lịch; hơn 740 chiếc đò máy, đò chèo du lịch; hơn chục đội đờn ca tài tử… sử dụng hàng ngàn lao động, chủ yếu là lao động ở địa phương để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.
Du khách nước ngoài tham gia trò chơi tát ao bắt cá tại điểm du lịch của anh Trần Văn Vân (xã cù lao Tân Phong, Cái Bè, Tiền Giang).
Theo ông Bình, nhằm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã đầu tư một số hạng mục trên xã cù lao, như: làm bờ kè tổ chức khu chợ đêm, nạo vét kênh rạch để tổ chức cho du khách chèo đò, nâng cấp đường để du khách đạp xe… Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện hai khu homestay, mỗi khu rộng 7ha trên địa bàn xã.
“Hiện nay, sau khi tham quan, chỉ mới có một số ít du khách chịu nghỉ lại trên cù lao. Chúng tôi cần hỗ trợ người dân tổ chức làm homestay và xây dựng các khu homestay mới để giữ khách du lịch”, ông Bình cho biết.
Theo anh Sáu Vân, lượng khách du lịch nước ngoài quay lại sau khi đến tham quan trên cù lao hiện nay chỉ khoảng 10%.
Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn được xã Tân Phong xác định là tái cơ cấu nông nghiệp, quảng bá rộng rãi sản phẩm nông nghiệp của xã, ổn định thu nhập cho người dân và tạo điều kiện giao lưu văn hóa với các địa phương khác trong khu vực.
Thực tế cho thấy, loại hình du lịch này ở Tiền Giang trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phát triển kinh tế bền vững nhất cho cộng đồng.
Theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang, năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Tiền Giang đạt hơn 1,5 triệu lượt khách. Trong đó, có gần 600.000 lượt khách nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh…. Gần 70% lượng du khách đến các điểm du lịch cộng đồng, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình ở địa phương.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng mang lại lợi ích cho người dân ở địa phương, như: hạ tầng giao thông, môi trường, hệ thống điện, nước, viễn thông… được chính quyền đầu tư ngày càng tốt hơn.
Trần Đáng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn