Vừa qua, nông dân ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã phải vứt bỏ hàng tấn su hào vì giá quá rẻ, không thể tiêu thụ nổi. Trước đó là chuyện “giải cứu” củ cải ở Vĩnh Phúc, dưa hấu ở miền Trung vì nông dân vừa bán, vừa cho vẫn không "đắt"...
Điều đáng bàn là trong lúc “bĩ cực” trên xảy ra thì tại hầu hết các siêu thị, người tiêu dùng vẫn đang mua rau, củ cải với giá cao. Tại sao? Trả lời: Vì đó là sản phẩm có nguồn gốc được công nhận là sản xuất theo quy trình sạch.
Cũng ngay tại Hải Dương, nơi mà nông dân phải nhổ bỏ su hào, có hộ nông dân vẫn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, như bà Nguyễn Thị Ngọc (huyện Ninh Giang, Hải Dương) vẫn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Điều khác biệt là những sản phẩm nông nghiệp mà cơ sở của bà Ngọc cung cấp là trồng theo quy trình sạch, kho bảo quản đủ tiêu chuẩn… đã được đối tác Nhật Bản sang thăm.
Như vậy, câu chuyện đặt ra là: Nông dân phải sản xuất những thứ thị trường cần thay vì những thứ mình có. Phương thức sản xuất tự phát đã thấm sâu vào nông dân không còn phù hợp trong thời buổi mà khách hàng cần những thực phẩm sạch có xuất xứ, thương hiệu rõ ràng để họ yên tâm sử dụng. Nhưng nếu để người nông dân nếu tự mình định hướng thị trường thì quả là "mò kim đáy bể". Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương… cần làm tốt công tác dự báo thị trường, kết nối cung - cầu…
Bên cạnh đó, cần phát triển sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, theo công nghệ sạch, khác xa với canh tác nhỏ lẻ. Muốn vậy, nông dân có thể liên kết với ngân hàng để phát triển quy mô sản xuất, liên kết với nhà khoa học để ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Muốn sản phẩm của mình có mặt trong các chuỗi siêu thị, phải liên kết với nhà phân phối. Mà để việc liên kết này thuận lợi, nông dân cần tạo lập pháp nhân cho mình thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hợp tác xã kiểu mới còn giúp các hội viên có thể vay vốn, mua vật tư với mức ưu đãi. Các sản phẩm nông nghiệp của hội viên được hợp tác xã đứng tên thương hiệu để đưa vào siêu thị, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ.
Từ những đòi hỏi thực tiễn, có thể khẳng định, ưu thế về đất đai phì nhiêu, siêng năng, cần cù không còn là yếu tố quyết định của nông nghiệp hiện đại. Đó chỉ là điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Nông dân hiện nay muốn có thu nhập theo kinh tế thị trường, không còn cách nào khác là phải sản xuất sản phẩm mà người tiêu dùng cần; phải nhanh chóng đổi mới về phương thức sản xuất; đặt mình vào các chuỗi liên kết nhiều “nhà” để thông suốt quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Vấn đề này vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ trong buổi đối thoại với nông dân Hải Dương. Trước đây, khi bàn về mô hình nông nghiệp, người ta hay bàn về liên kết 3 - 4 "nhà", nhưng nay phải liên kết 6 "nhà": Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối và Nhà nước./