Những năm qua, Hội Nông dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thực hiện nhiều phong trào, giải pháp, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tạo chuyển biến tích cực góp phần đưa Lệ Thủy sớm đạt chuẩn huyện NTM.
Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện là đã vận động nông dân bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả đưa các giống cây, con mới phù hợp, có năng suất cao vào sản xuất, cho thu nhập cao, không để đất bỏ hoang.
Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ KH- CN mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi chim cút ở xã Ngư Thủy; mô hình trồng dưa hấu, trồng cây thanh long ở xã Dương Thủy; mô hình trồng dưa lưới trong nhà, mô hình nuôi cá và ếch; mô hình sản xuất cá giống, chăn nuôi thỏ ở Tân Thủy, mô hình vườn- ao- chuồng ở Văn Thủy, mô hình chăn nuôi tổng hợp ở An Thủy, Hồng Thủy, Hoa Thủy… và nhiều mô hình khác được phát huy.
Các cấp Hội Nông dân trên thực hiện tốt việc tư vấn, hỗ trợ về vốn, kĩ thuật và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho hội viên.
Năm 2019, Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT được 158 lớp với trên 12.500 lượt hội viên nông dân tham gia. Trực tiếp và phối hợp tổ chức dạy nghề 11 lớp cho 385 hội viên nông dân về sản xuất nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp hội đã huy động tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 13 tỷ đồng cho hơn 6.300 hộ vay đầu tư để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Năm 2019, toàn huyện có 21.572 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 85,7% tổng số hội nông dân trên toàn huyện.
Phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, các cấp hội nông dân giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo gặp khó khăn về vốn, kĩ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất gắn với bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường. Đến nay, Hội đã triển khai cho 207 chi hội tham gia thực hiện mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, tổ chức thu gom rác thải, chai, lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, làm sạch đồng ruộng.
Đồng thời, Hội Nông dân tích cực tham gia thực hiện “Đoạn đường tự quản”, “Đường kiểu mẫu” sáng- xanh- sạch- đẹp ở nông thôn.
Qua bình xét hàng năm có trên 85% hộ gia đình hội viên nông dân đạt gia đình văn hóa, đánh dấu sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc hướng đến nếp sống văn hóa mới, tạo động lực cho giai cấp nông dân phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Theo Hồng Mến/nongnhiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn