Ông Đặng Văn Tặng - Trưởng phòng Kỹ thuật tổng hợp (Sở NNPTNT Bắc Giang) cho biết, để vải thiều được gắn tem truy xuất, các hộ cần tuân thủ đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Ngay sau khi thu hoạch quả, các hộ khoanh gốc, tỉa cành, bón phân cân đối, đồng thời áp dụng biện pháp chăm sóc như: Tưới nước sạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục phòng trừ sâu, bệnh đúng thời điểm, bảo đảm thời gian cách ly. Các hộ có sổ nhật ký ghi chép cẩn thận về quy trình chăm sóc. Vải thiều chỉ được gắn tem sau khi được Sở NNPTNT lấy mẫu quả kiểm nghiệm chất lượng, bảo đảm ATTP, không có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.
Thương nhân tiêu thụ vải thiều tại xã Biên Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: T.L
Hiện huyện Lục Ngạn có 11.000 ha vải được chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chiếm hơn 70% tổng diện tích. Huyện giao Phòng NNPTNT phối hợp với các xã, thị trấn, định kỳ 1-2 tuần kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký ghi chép của thành viên ở các chi hội, HTX để kịp thời hướng dẫn nhà vườn điều chỉnh phương pháp chăm sóc phù hợp.
Theo ông Bùi Huy Tình - Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, xã phân công cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra các vùng vải VietGAP ở các chi hội. Để tránh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, HTX khuyến cáo các hộ phun thuốc đồng loạt vào thời điểm thích hợp để phòng bệnh và bảo đảm thời gian cách ly giữa các lần phun đối với thuốc sinh học là 7 ngày, thuốc hóa học từ 15 - 10 ngày.
Không chỉ giám sát chặt khâu chăm sóc, huyện Lục Ngạn còn dành kinh phí hỗ trợ 50% tem xác nhận nguồn gốc vải thiều cho tất cả các HTX, DN tiêu thụ. Địa phương đang phối hợp với VNPT Bắc Giang thống nhất mẫu tem, nhãn cũng như quy cách bao gói sản phẩm, thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử, giúp người dân thuận lợi hơn khi áp dụng và khách hàng mua sản phẩm tiện theo dõi qua điện thoại thông minh.
Minh Linh /danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn