Nông nghiệp TPHCM từ giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đến nay có sự phát triển khá ấn tượng. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 4,9%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 5,8%/năm. Năm 2017 tăng trưởng 6,3% (năm 2016 là 5,4%), bằng 2,2 lần so mức tăng cả nước; giá trị sản xuất tăng 6,3%, bằng 2 lần mức tăng cả nước.
Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Có thể nói, đó là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM. Còn nhớ, đầu thập niên 1990, ngành nông nghiệp TPHCM lâm vào giai đoạn trì trệ, mất phương hướng khi cơn sốt đất đai lần đầu bùng phát, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Nhưng sau đó, TP xác định phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị thay cho cây lúa, đặc biệt là khu vực Cần Giờ và Nhà Bè - khi cây lúa chỉ độc canh và độc vụ, mà năng suất lại thấp. Giai đoạn đầu, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất được thực hiện với 2 cây (rau và dứa), 2 con (bò sữa và tôm sú). Sau đó, do cây dứa Cayen không phù hợp với nông hộ nên cơ cấu sản xuất chuyển dần sang cá cảnh, cá sấu và cây hoa nhiệt đới (các loại lan Dendrobium, Mokara...).
Nuôi cá cảnh tại Công ty Saigon Aquarium (huyện Củ Chi) Ảnh: ANH SƠN Nền nông nghiệp đô thị bắt đầu định hình, thay thế dần mô hình nông nghiệp truyền thống vốn quen cây lúa là chủ đạo. Từ đó, ngành nông nghiệp TP thoát khỏi tình trạng trì trệ, phục hồi sự phát triển rồi tăng tốc, vượt qua mức phát triển bình quân của ngành nông nghiệp cả nước. Đến năm 2017, nhờ vào việc tăng cường chuyển đổi sang các cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, nên giá trị sản xuất bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,8% so cùng kỳ 2016 (410 triệu đồng/ha/năm).
Giờ đây, vùng nông thôn ngoại thành đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, như lan cắt cành ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9; vùng bò sữa ở huyện Củ Chi; cá cảnh ở quận 12, Củ Chi, Bình Chánh; vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi; các mô hình cánh đồng mai 250ha tại xã Bình Lợi (Bình Chánh), cánh đồng lan 10ha tại xã An Nhơn Tây (Củ Chi), cánh đồng lan 7ha tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), vùng tôm nước lợ (tôm sú, thẻ chân trắng) tại Cần Giờ...
Cơ cấu nông nghiệp TP năm 2017: trồng trọt chiếm 24,3%, chăn nuôi 36,3%, dịch vụ nông nghiệp 7,4%, thủy sản 29,5%...
Năm 2017, cơ cấu nông nghiệp TPHCM tiếp tục theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhưng nội bộ từng lĩnh vực có sự chuyển dịch phù hợp, như chuyển từ đất lúa và mía năng sang cây trồng giá trị cao như rau, hoa cây kiểng, cỏ chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân. Cơ cấu nông nghiệp TP năm 2017 như sau: trồng trọt chiếm 24,3%, chăn nuôi 36,3%, dịch vụ nông nghiệp 7,4%, thủy sản 29,5%...
Với chủ trương huy động nguồn lực đầu tư trong dân thông qua các chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất, nên 1 đồng vốn ngân sách TP hỗ trợ lãi vay đã huy động được 30 đồng vốn xã hội (từ ngân hàng 18 đồng, người dân 12 đồng). Nhờ vậy, sản xuất phát triển, thu nhập tăng lên, đời sống nông dân được cải thiện, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn bằng 78,7% so với khu vực thành thị (năm 2010 bằng 66,6%, và năm 2012 là 76,8%).
Sự tham gia của các mô hình
Góp sức vào mức phát triển này, bên cạnh việc định hướng và chính sách hỗ trợ của TP, phải nhắc đến sự đóng góp tích cực từ nhiều mô hình: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN). Theo khảo sát của Sở NN-PTNT, kinh tế hộ có 2 vai trò đóng góp cho nền kinh tế. Đó là, khi được tự chủ về sản xuất, kinh doanh thì kinh tế hộ tạo ra việc làm và góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nông nghiệp khu vực nông thôn. Kế đến, khi kinh tế hộ phát triển sẽ góp phần vào việc ổn định nền kinh tế, cũng như đảm bảo về mặt an ninh trật tự và xã hội.
Trong khi đó, xuất hiện đầu những năm 1980, kinh tế trang trại ở TPHCM cung cấp nguồn nguyên liệu nông sản có chất lượng cho công nghiệp chế biến, dịch vụ; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng những vùng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Phát triển kinh tế trang trại giúp việc khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ngoài ra, kinh tế trang trại phát triển tạo sự liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa trang trại với các DN, làm tăng giá trị nông sản hàng hóa, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặc dù kinh tế trang trại có sự đóng góp không lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp TPHCM, nhưng lại là mô hình hiệu quả rất cao về giá trị sản xuất bình quân trên 1ha (2,6 tỷ đồng/ha/năm).
Việc tổ chức liên kết sản xuất với DN, hợp tác xã cũng được các chủ trang trại triển khai tích cực và mang lại thu nhập ổn định cho các chủ trang trại. Điều hạn chế ở đây chính là do vốn đầu tư cao (gần 4,5 tỷ đồng/trang trại) và quy mô sản xuất bình quân hơn 1ha/trang trại nên rất khó nhân rộng mô hình này tại vùng nông thôn ngoại thành.
Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, bên cạnh việc phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cũng được chú trọng, gắn với phương thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học, theo hướng sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ.
Mô hình DN cho thấy sự vượt trội so với các mô hình đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản khác với năng lực tài chính mạnh (vốn bình quân lên đến 27,6 tỷ đồng/DN, tài sản cố định và đầu tư dài hạn bình quân đạt 13,5 tỷ đồng/DN); hoạt động có hiệu quả cao (doanh thu thuần đạt bình quân 6,1 tỷ đồng/DN/năm); năng lực quản trị tiên tiến, hiện đại, tổ chức được chuỗi cung ứng giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, đa phần các DN nông nghiệp của TP nói riêng và cả nước nói chung lại là DN nhỏ và vừa, năng lực hoạt động còn thấp so với mặt bằng chung của cộng đồng DN ở TPHCM. Kinh tế tập thể, chủ yếu là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, cũng góp phần vào việc phát triển sản xuất ngành nông nghiệp TP. Tuy còn khiêm tốn khi chỉ chiếm 5% doanh số nông nghiệp TP, nhưng HTX có vai trò làm đầu mối để tổ chức hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản giao cho DN; giúp hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản trong việc cung cấp sản phẩm an toàn.
Bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM đang cần gấp lời giải: Chọn hướng đi nào trong rất nhiều mô hình này để TPHCM phát triển?
CÔNG PHIÊN/http://www.sggp.org.vn