Thấp đẳng cấp, tốn nhiều nguồn lực
Không thể phủ nhận những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong hơn 30 năm qua như từ một nền nông nghiệp khép kín tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Từ chỗ thiếu lương thực triền miền và phải nhập khẩu lương thực từ bên ngoài đã trở thành nước xuất khẩu nông nghiệp có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Từ chỗ sản xuất chủ yếu dựa vào lao động thủ công sang cơ giới hóa….
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền nông nghiệp với nhiều hạn chế, yếu kém: phương thức và tổ chức sản xuất lạc hậu, mức độ gắn kết của khu vực nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ thấp; chất lượng của đa số sản phẩm nông nghiệp chưa cao và giá trị còn thấp. Đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị còn lớn, kết cấu hạ tầng, kinh tế nông thôn vẫn còn kém phát triển.
Ông Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tổng kết ngắn gọn: “Nông nghiệp nước ta vẫn là nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, là nội dung mang tính chiến lược từ khi cách mạng tới nay do nước ta hiện có 70% dân số sinh sống trong khu vực nông thôn và 80% diện tích dành cho nông nghiệp. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Ninh cũng thừa nhận, nền nông nghiệp nước ta còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ manh mún là chủ yếu, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững. Sức cạnh tranh với khu vực và thế giới còn thấp, ứng dụng KHCN và cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn nên đời sống người dân còn khó khăn. “Nhiều nơi không đói nhưng chưa thể giàu” – Phó thủ tướng Ninh nói.
Thiếu sự dẫn dắt của những DN lớn
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nền nông nghiệp nước ta lâu nay dự vào kinh tế hộ, song phương thức này đã “tới hạn”, đồng thời đã bộc lộ nhiều hạn chế: phát triển theo chiều rộng, chạy theo số lượng sản phẩm mà không chú trọng đầu tư nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường, chỉ sản xuất cái gì mình có mà không theo tín hiệu của thị trường.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự bùng nổ của ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu mang tính quảng canh, lấy sản lượng, năng suất là chính mà coi nhẹ chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Do đó sản xuất không bền vững, rủi ro cao. Hơn nữa, nền nông nghiệp nước ta lại chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, tương trợ lẫn nhau. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập còn khá ít ỏi.
Trong khi đó, đất đai manh mún cũng là một trong những cản trở lớn để doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tác động tích cực của nhiều chính sách “cởi trói” trong nông nghiệp và nông thôn dường như đã tới hạn, thậm chí, một số chính sách lại cản trở sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn; có quá nhiều chính sách để thu hút nguồn lực vào nông nghiệp nhưng lại không phát huy được hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn được sửa đi sửa lại nhưng tới nay tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của cả khu vực trong và ngoài nước đều rất thấp. “Trong khi đó, nếu không có doanh nghiệp thì không thể đưa nông nghiệp thành một nền nông nghiệp CNH, HĐH được” – Phó Thủ tướng Ninh nhấm mạnh.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số lượng vốn đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2009-2013 tăng 67% so với 5 năm 2004-2008, nhưng tỉ trọng đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lại giảm dần. Đầu tư cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,5% vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2003, năm 2013 giảm xuống còn 5,3%.
Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, muốn sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh được với sản phẩm của khu vực và thế giới, cần phải có quy hoạch lại sản xuất, xác định các sản phẩm lợi thế của từng vùng, địa phương. Đồng thời thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các nông hộ thành nhóm hộ, HTX, gắn kết với doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất và chất lượng nguồn nhân lực.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn