Đầu tư cho nông nghiệp đang giảm dần Ảnh: Quốc Anh
Đầu tư cho nông nghiệp đang giảm dần Theo Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Quang, lo cho nông nghiệp, chính là lo cho kế sách bền lâu của nền kinh tế. Nhưng với cách "lo” như hiện nay, thì dự báo đến năm 2020, nền nông nghiệp của đất nước sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm nếu đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm như hiện nay. Nếu giai đoạn 1995 - 2000, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là 4%/năm thì năm 2007 còn 2,3%, năm 2011 ước đạt từ 2,4% - 2,6%. Một trong những nguyên nhân của việc này là do đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm dần, không tương xứng với sự đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế. Thống kê về số vốn đầu tư của Nhà nước vào khu vực nông nghiệp cho thấy nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách đang bị giảm mạnh. Nếu như năm 2000, tỷ trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp chiếm 13,85% tổng đầu tư của xã hội, thì năm 2008 - 6,45%, năm 2009 - 6,26%, và hiện đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 3% tổng GDP. Chưa kể, số liệu thống kê về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn rất khó bóc tách do có rất nhiều khoản chi cho công nghiệp, kết cấu hạ tầng quốc gia nằm trên địa bàn nông thôn. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực này cũng hầu như không đáng kể - giảm từ 8% (năm 2001) xuống còn dưới 1% tổng nguồn vốn mà Việt Nam thu hút những năm gần đây, còn đầu tư của tư nhân trong nước thì chỉ chiếm từ 13% đến 15% tổng số đầu tư mới của mỗi năm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút đầu tư vào nông nghiệp? Phân tích cặn kẽ về các nguyên nhân khiến tăng trưởng trong nông nghiệp ngày càng thụt lùi, ông Nguyễn Cao Phúc, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhắc đến tình trạng vật tư nông nghiệp làm giả không đảm bảo chất lượng gia tăng trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó tình trạng nông dân bị tư thương ép giá đầu vào, giảm giá đầu ra, giá mua nông sản, thực phẩm của nông dân thấp nhưng ở siêu thị, ở chợ lại quá cao. Tình trạng nhập lậu một số lượng lớn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, sản phẩm thải loại gia tăng làm ngành chăn nuôi trong nước lao đao, trong khi sản xuất đã đang rất chật vật vì chi phí đầu vào liên tục tăng nhưng giá bán không tăng, có trường hợp giảm sâu. Là một nước nông nghiệp nhưng lại nhập tới 70% nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi… Quá nhiều lý do dẫn tới đầu tư cho nông nghiệp không có lãi, cho nên có rất nhiều chính sách ưu đãi đã được bày sẵn để mời gọi nhà đầu tư nhưng rất ít người dám đầu tư vào khu vực ít lợi nhuận này. Làm ra đủ loại nông sản nhưng người nông dân chưa được đầu tư xứng tầm Ảnh: TL Khó thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp Nói về thực trạng sản xuất nông nghiệp Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Thông qua giám sát thì thấy, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của ngành, địa phương. Và mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng nhu cầu thực tế rất lớn, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn, chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này. Nắm được thực trạng này Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 4-6-2010, về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghị định quy định rất nhiều điều khoản ưu đãi để hút các doanh nghiệp đầu tư như: Miễn giảm tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư có dự án nông nghiệp. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp nếu được Nhà nước giao đất được giảm 50% số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.... Có thể nói những chính sách này được coi là mạnh tay để kéo nhà đầu tư về khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn không nhiều nhà đầu tư mặn mà. Phó Trưởng đoàn QH tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Ngọc Đáng đã có những lời rút ruột về nông dân rằng: "Chúng ta hình dung xem nếu trong tình hình khó khăn này mà lương thực khan hiếm, mất mùa, đói kém thì đất nước và xã hội sẽ rơi vào tình trạng phức tạp như thế nào. Nông dân Việt Nam làm ra đủ các loại nông sản, chẳng những nuôi sống toàn dân tộc mà còn dư để xuất khẩu. Nhưng họ- những người sản xuất chân chất đó chưa từng đóng góp một đồng nào vào "khối u” nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho. Vì vậy không thể để nông nghiệp đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm mà cần tìm ra những giải pháp căn cơ để ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Lục Bình http://daidoanket.vn |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn