Sau một năm tăng trưởng cao, những tháng đầu năm 2019, nền nông nghiệp đối mặt khó khăn, khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
2019 cũng là năm đặc biệt. “Chưa bao giờ có hoa sữa, hoa bằng lăng nở cùng vào mùa này. Dự báo với đà này, nếu không triển khai tốt công tác vệ sinh, chăn nuôi an toàn sinh học thì dịch bệnh vẫn có thể lan tiếp”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (trái) tại phiên thảo luận tổ ĐBQH sáng 22/5. Ảnh: quochoi.vn. |
Ở Việt Nam, dù đã xây dựng các kịch bản phòng ngừa, nhưng do đường biên giới dài, lượng khách xuất nhập cảnh lớn nên ngày 1/12/2018 đã bị dịch. Đến ngày 21/5, dịch xuất hiện ở An Giang. Như vậy, DTLCP đã xuất hiện ở 37 tỉnh, thành; số lượng phải tiêu hủy khoảng 1,6 triệu con, tương đương 65.000 tấn, chiếm 5% tổng đàn lợn nuôi.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đã có 30 xã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhưng rồi dịch lại quay trở lại”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước hậu quả to lớn do DTLCP gây ra, vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị, Thủ tướng đã 3 lần họp trực tuyến, có 50 văn bản chỉ đạo, các địa phương có hàng trăm chỉ đạo.
Nhưng với tính chất của dịch bệnh và đặc thù Việt Nam có 55% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc ngăn chặn rất khó, đặc biệt là trong điều kiện chưa năm nào có diễn biến thời tiết phức tạp như năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện chúng tôi đã giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường kết hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vacxin; đồng thời phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ… thực hiện nhóm giải pháp xử lý tiêu hủy lợn chết, kiểm soát an toàn thực phẩm…
“Được biết, DTLCP đã tàn phá ngành chăn nuôi của nhiều quốc gia. Nga đã tốn 5 tỷ USD cho dịch này, Ba Lan, Trung Quốc cũng tốn kém rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Sáng 22/5, phát biểu tại tổ ĐBQH Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lo lắng về DTLCP, cùng nhiều tác động tiêu cực khác đến ngành nông nghiệp hiện nay.
Vấn đề phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. |
Trao đổi tại tổ ĐBQH Hà Nam, bà Hà Thị Minh Tâm, nhận xét: Mặc dù Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT đã rất nỗ lực và triển khai tổng thể các giải pháp nhằm ngăn ngừa DTLCP, tuy nhiên, đại dịch này đã gây ra những hậu quả nặng nề. Như tỉnh Hà Nam, theo số liệu báo cáo, ngân sách nhà nước phải trả 416 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tiêu huỷ lợn ốm, chết vì mắc bệnh. Tỉnh không có nguồn để hỗ trợ người dân nên phải có văn bản đề xuất lên Trung ương cấp ngân sách.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là DTLCP đã lan ra 37 tỉnh trên cả nước. Vậy Trung ương đã có nguồn dự phòng để hỗ trợ người dân chưa, hay là cứ đề ra chính sách sau đó để người dân chờ đợi? Chúng tôi rất mong Chính phủ họp bàn, rà soát các nguồn vốn, xem nguồn này lấy ở đâu?
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Thị Minh Tâm cũng cho rằng, phải quy trách nhiệm giám sát công tác thống kê, tiêu huỷ lợn bệnh cho chính quyền địa phương. Bởi nếu chúng ta không làm chặt chẽ, không làm quyết liệt, không theo dõi tức thì, thì sẽ xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước do sự khai báo không đúng của người dân. Thứ trưởng Bộ NN-PNNT Phùng Đức Tiến cũng nói, khi đi kiểm tra đã phát hiện trường hợp người dân khai báo sai số lượng lợn bệnh rồi, cần phải ngăn chặn ngay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn