Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết cung ứng theo chuỗi sản xuất-phân phối-tiêu thụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới như gạo, điều, tiêu.. nhưng giá trị gia tăng từ sản xuất và chế biến nông sản vẫn chưa cao và thực tế chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia tương xứng về giá trị khi hội nhập, nhất là với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đối với thị trường trong nước, chúng ta đang đương đầu với những thách thức lớn như tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp; chế biến thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động xấu tới sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm và có thương hiệu uy tín trên thị trường.
Trước tình thế đó, việc phát triển nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP hay phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà nền nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới. Đây cũng chính là xu hướng phát triển của thế giới nhằm hướng đến các sản phẩm tiêu dùng gần với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống.
Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Organic Life cho biết, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, cái khó của nông nghiệp hữu cơ hiện nay là vấn đề thương hiệu, giá thành cao và lòng tin của người tiêu dùng.
Theo ông Thành, phải mất khoảng vài năm, doanh nghiệp mới chuyển từ sản xuất nông nghiệp theo cách thông thường lên nông nghiệp hữu cơ, điều này đòi hỏi người sản xuất phải rất kiên định.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, phải làm sao để người dân khi nhắc tới các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì nghĩ ngay đó là thực phẩm sạch, an toàn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để người dân yên tâm tiêu dùng sản phẩm.
Cùng với đó, các địa phương cần rà soát lại đất nông nghiệp, có chính sách ưu tiên đất nông nghiệp hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Lê Thành cho rằng cần kết nối các DN sản xuất nông nghiệp hữu cơ lại, tìm các nhà đầu tư và các nhà phân phối lớn để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết cung ứng theo chuỗi sản xuất-phân phối-tiêu thụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là hành động cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về tài chính cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Đáng chú ý, nhà phân phối bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op cho biết sẽ thu mua và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ các doanh nghiệp tham gia ký kết.
Lê Anh
Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn