Giải nỗi lo “giải cứu”
Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” là sự kiện mở màn chuỗi diễn đàn chuyên đề trải dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF).
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề Nông nghiệp để mở màn cho chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là lựa chọn đúng và chính xác trong tình hình hiện nay.
“Thời gian qua, với sự đóng góp không nhỏ của các DN, chúng ta đã có từ 3.300 đến 3.700 DN, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn. Tính 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD... Thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.
Mặc dù có những thành quả đáng ghi nhận, song ông Dũng cũng thừa nhận vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp hiện nay, đó là, chúng ta mới chỉ sản xuất đơn thuần, mà chưa chú trọng vào khâu chế biến.
Theo ông, trong ngành nông nghiệp, nếu chúng ta chỉ sản xuất mà không chế biến thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước.
Một điểm yếu nữa của nông nghiệp Việt Nam là tính liên kết sản phẩm, liên kết yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay, và đây là vấn đề chúng ta cần phải xử lý.
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Vũ Trường Ca- Chủ tịch HĐQT Lina Network nêu lên quan điểm: Không phủ nhận ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay đã có những bước nhảy khá ngoạn mục với hàng loạt các sản phẩm xuất khẩu trị giá “tỷ đô”.
Không phủ nhận rằng, người Việt Nam thông minh và sáng tạo, khí hậu Việt Nam thuận lợi cho các loại nông sản, thế nhưng, hiện nay đang lặp đi lặp lại tình trạng được mùa mất giá, mất mùa mất giá, để rồi toàn xã hội phải tập trung đi giải cứu nông sản hàng năm.
“Câu chuyện giải cứu đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Nếu để đề xuất một giải pháp, tôi cho rằng, phải làm mọi cách để đưa công nghệ vào nông nghiệp. Chúng ta có đủ các điều kiện về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, con người… nếu chúng ta ứng dụng được công nghệ tốt thì sẽ giải quyết được bài toán này” – ông Ca nhận định. Theo ông Vũ Trường Ca, hiện Blockchain là một công nghệ mạnh mà thế giới đang ứng dụng. Đây là công nghệ có thể thay thế, đảo lộn toàn bộ hoạt động của xã hội toàn cầu trong giai đoạn tới đây. Cũng giống như Internet vậy.
“25 năm trước, khi khảo sát về nhu cầu sử dụng Internet ở Việt Nam, tôi thấy số người quan tâm không nhiều, nhưng đến nay, Internet đã có mặt ở mọi nơi, mọi địa điểm, vào từng gia đình.... Một ngày không có Internet không biết điều gì xảy ra. Công nghệ Blockchain cũng vậy đó, nó cũng đang nhen nhóm hiện nay như Internet của 25 năm trước. Và chúng ta cần phải phát triển nó để có thể thay đổi sản xuất nông nghiệp, tạo cho ngành này một diện mạo mới” – ông Ca nhận định.
Nông sản Việt như… cô gái quê danh giá
Nêu lên những điểm yếu của chuỗi nông sản xuất khẩu hiện nay, bà Nguyễn Thị Thành Thực- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico cho rằng, mấu chốt là ở chỗ, chúng ta đang quá bị động và dường như không muốn giành thế chủ động. Sở dĩ nêu ra nhận định đó, bà Thực cho hay, bà đã có thâm niên 20 năm làm thương lái, có thời điểm, bà giao dịch với thị trường Trung Quốc 300,400 tấn cam trong một ngày.
“Một mình tôi xuất khẩu một sản lượng lớn cam sang thị trường này, năm 2002, có ngày tôi xuất khẩu 200 tấn vải thiều sang Trung Quốc. Và tôi cũng học hỏi được họ rất nhiều” – vị nữ doanh nhân cho hay và nêu quan điểm, thương lái Trung Quốc họ rất giỏi, họ đi vào từng ngõ ngách, vùng sâu vùng xa – những nơi nào ở Việt Nam có sản phẩm nông sản ngon nhất, họ đều biết. Đó là cái mà chúng ta đang thua họ.
Còn phía chúng ta thì sao, nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói “hãy mua tôi đi”. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang hơn” - bà Thực chia sẻ.
Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thực nêu, nông sản Việt Nam muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và Trung Quốc chính là một trong những cái chợ lớn nhất thế giới. Thế nhưng, chúng ta không hề có một gian hàng nào ở “cái chợ lớn” đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Bị động như vậy thì không thể khá được.
Tại Diễn đàn, nhiều diễn giả nhấn mạnh đến vấn đề tăng giá trị cho sản phẩm. Mặc dù hàng nông sản Việt Nam được khách hàng quốc tế đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, không có thương hiệu thương mại. Nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các DN nên tập trung tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin và kết nối với người nông dân chặt chẽ hơn để hướng cho người nông dân biết nên trồng thứ gì, nuôi vật gì thay vì vẫn để bà con sản xuất tự phát như hiện nay.
Do đó, yếu tố liên kết cũng được coi là điểm mấu chốt để thay đổi thực trạng hiện nay của ngành nông nghiệp.
“Nhiều năm nay chúng ta thường giải cứu nông dân, nguyên nhân là bởi người nông dân bị động, họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều khiển của thương lái, hoàn toàn không có kế hoạch canh tác, cái này chính các DN sẽ giải được”- một diễn giả nhấn mạnh.
Minh Phương
http://daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn