Các số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy, nhịp độ tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm nay đã tăng mạnh. Thế nhưng, khoảng cách giữa khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và hai khu vực công nghiệp và dịch vụ quá rõ ràng. Thực tế đó đương nhiên đồng nghĩa với thu nhập của dân cư khu vực này, đặc biệt là ở những vùng thuần nông đã tăng quá thấp, thậm chí có thể không tăng.
GDP của ngành nông nghiệp, gồm hai phân ngành trồng trọt và chăn nuôi, tăng vỏn vẹn 1,77%. Ảnh: Trung Chánh
Nếu như GDP của cả nước chín tháng đầu năm 2014 tăng không nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (5,53% so với5,14%) thì chín tháng đầu năm nay đã tăng vượt trội 6,5%. Với đà này và với “tập quán” tăng tốc trong quí cuối năm, rất có thể GDP năm nay không chỉ vượt, mà còn vượt khá xa mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã được hoạch định từ trước.
Thế nhưng, trong khi GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng kỷ lục 9,57% và khu vực dịch vụ cũng tăng 6,17% (tính chung thì hai khu vực này tăng trưởng 7,73%) thì GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng có... 2,08%. Đáng lo hơn nữa là GDP của ngành nông nghiệp (gồm hai phân ngành trồng trọt và chăn nuôi) tăng vỏn vẹn 1,77%, còn GDP của ngành thủy sản cũng chỉ tăng rất khiêm tốn 2,11%.
Dân cư trong hai ngành nông nghiệp và thủy sản hiện vẫn chiếm tuyệt đại bộ phận dân cư khu vực nông thôn nhưng thu nhập của dân cư trong hai ngành này lại tăng quá thấp so với thu nhập của dân cư trong các ngành còn lại.
Không những vậy, tuy rất đáng tiếc là các số liệu thống kê vẫn chưa được công bố đầy đủ, nhưng vẫn có thể suy đoán rằng, thu nhập của bộ phận dân cư trong hai phân ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản có thể còn giảm tính theo con số tuyệt đối.
Suy đoán này dựa trên hai căn cứ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, giá hàng nông sản tiếp tục giảm sâu hơn làm cho giá trị sản xuất thực tế đã “co lại”.
Trước hết, nếu tính theo giá so sánh thì nhịp độ tăng trưởng của hai phân ngành này trong chín tháng qua chỉ tăng 1,03% và 1,04%. Đây là những mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, như các số liệu thống kê đã được công bố cho thấy, so với năm 2011, giá trị sản xuất tính theo giá thực tế năm 2012 của phân ngành trồng trọt đã giảm kỷ lục 44.560 tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 7,7% và hai con số giảm này của năm 2013 là 43.216 tỉ đồng và 7,5%.
Do vậy, trong điều kiện giá của các mặt hàng này hoặc là vẫn liên tục giảm từ năm 2012 đến nay (các nông sản của phân ngành trồng trọt), hoặc mới giảm gần đây (hàng thủy sản), cho nên gần như chắc chắn giá trị sản xuất theo giá thực tế của cả hai phân ngành này đều giảm, đồng nghĩa với thu nhập của các bộ phận dân cư trong hai phân ngành sản xuất này đều ở trong tình trạng tăng trưởng âm (Xem bài Nông dân đang thiệt kép rất lớn).
Thứ hai, chỉ có thu nhập của một bộ phận dân cư lớn như vậy giảm mới có thể làm cho sức mua của thị trường trong nước giảm dần.
Các số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong chín tháng đầu năm nay đạt 2.374,5 ngàn tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, trong cùng kỳ năm 2014, mức tăng này là 11,1%; còn cùng kỳ năm 2013 tăng 12,5%, cùng kỳ năm 2012 tăng 17,3%.
Tình trạng trên không có nghĩa là thị trường trong nước đã bão hòa, mà ngược lại, một bộ phận rất lớn dân cư vẫn rất “khát” tiêu dùng, nhưng sức mua ngày càng yếu và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc khôi phục nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua hết sức khó khăn và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)