Tại sự kiện xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu tiên năm 2018 (tháng 1/2018) tại TP.HCM, ông Ngô Văn Ích - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lô hàng này có tổng trị giá 600.000 USD, xuất sang ba thị trường truyền thống của Việt Nam là Canada, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Ảnh minh họa |
Sự kiện này như lời khẳng định, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục vượt khó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản đã đạt 8,4 tỷ USD, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh thủy sản, năm 2017, rau quả cũng vượt lên, trở thành nhóm hàng xuất khẩu thành công, khi đạt kim ngạch đến 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016 và bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo là 2,6 tỷ USD.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, rau quả Việt Nam có được giá trị xuất khẩu như hiện nay là khẳng định hướng đi đúng của ngành nông nghiệp trong 10 năm qua, khi tập trung vào việc mở cửa thị trường khó tính; Hướng đến sản xuất sản phẩm mà thị trường tiêu thụ cần, chứ không phải trồng theo thế mạnh hay loại sẵn có. Hiện rau quả Việt Nam đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhà nông trồng cây ăn trái xuất khẩu bây giờ không chỉ đầu tư đất, giống cây, kỹ thuật chăm bón, mà còn thực hiện việc trồng rải vụ, nghịch mùa, cho trái quanh năm; hiện đại hóa công việc bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển an toàn… làm tăng giá trị của trái cây xuất khẩu lên nhiều lần, đạt số lượng ổn định, theo kịp yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, những nông sản xuất khẩu như hạt điều cũng là kỷ lục mới so với năm trước, với kim ngạch trên 3,5 tỷ USD; hay hồ tiêu đạt trên 1,1 tỷ USD…
Ở lĩnh vực lâm sản, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chế biến đạt kim ngạch trên đạt 8 tỷ USD trong năm 2017… Những con số này chứng tỏ, sau nhiều năm tham gia xuất khẩu hàng hóa, cộng đồng DN Việt Nam đã chủ động tiếp cận được nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới, giải quyết tốt các vấn đề bảo hộ hàng hóa của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, mỗi thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam lại có một vấn đề riêng mà DN Việt luôn phải đối mặt.
Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, ngành chế biến gỗ chịu áp lực từ đạo luật khai thác gỗ rừng trái phép (Đạo Luật Lacey); ngành thủy sản chịu áp lực chống bán phá giá tại Hoa Kỳ, cảnh báo thẻ vàng của Liên minh châu Âu; nhóm hàng rau quả bị kiểm soát nghiêm ngặt ở châu Âu, Úc và Nhật Bản…
Lại có thực tế, hầu hết hàng nông sản xuất khẩu Việt còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, chúng ta đã phát triển tốt những vùng nuôi trồng mẫu lớn như thanh long Bình Thuận, cây điều Bình Phước, xoài, vú sữa Tiền Giang, tôm Cà Mau, cá ba sa An Giang…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng, xuất khẩu tăng mạnh. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt đến 36,37 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng vượt bậc như, rau quả tăng 40,5%, cao su tăng 35,6%, điều tăng 23,8%, đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%... Và nông sản luôn nằm trong 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Và một điều rất đáng ghi nhận rằng, nhiều DN, tập đoàn lớn (VinGroup, Hòa Phát, HAGL…), đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính, đầu tư hàng tỷ USD phát triển sản phẩm nông sản sạch và thành công rõ rệt. Số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả nhiều hơn, với 33.500 trang trại, trên 11.600 hợp tác xã nông nghiệp.
Số hợp tác xã thành lập mới năm 2017 tăng gấp 4 lần bình quân 4 năm qua. Trang trại nông nghiệp sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn, kéo theo kinh tế hộ gia đình nông thôn phát triển.
Nhìn vào tăng trưởng xuất khẩu có thể thấy, 2017 là năm thành công của ngành nông nghiệp; Đánh dấu việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu để ưu tiên phát triển như thủy sản, rau quả, đồ gỗ...
Đã có những mục tiêu mới cho ngành nông nghiệp Việt trong năm 2018, và DN, cùng người nông dân lại kỳ vọng, đi đôi việc tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu là số lượng tiêu thụ nội địa cũng tăng. Như vậy, người dân trong nước cũng được thụ hưởng sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thanh Trà/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn