Đầu bài rõ, nhưng giải bài toán không dễ. Vấn đề quan trọng là “làm ra” cơ chế, chính sách gì và nó đi vào cuộc sống như thế nào để thực sự là cái mà nông dân, doanh nghiệp cần, tiếp thêm sức mạnh cho các sản phẩm chủ lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập và phát triển bền vững? Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp. Nhà nước đã quan tâm đầu tư từ cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, quy hoạch vùng nguyên liệu, đến hỗ trợ nông dân từ khâu giống, cơ giới hóa trong nông nghiệp, hỗ trợ sau thu hoạch, đến tiêu thụ nông sản, hỗ trợ vay tín dụng. Nhưng, thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy, chính sách chưa đi vào trọng tâm, không đồng bộ, khó phát huy tác dụng, chậm hoặc khó đi vào cuộc sống. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, nông dân rất phấn khởi trước chính sách hỗ trợ “cơ giới hóa trong nông nghiệp”, nhưng do bị buộc mua máy móc nội địa hóa ít nhất 60%, nên họ đành “từ chối hỗ trợ” để chọn máy ngoại giá cả chấp nhận được, tiện dụng và chất lượng tốt hơn. Các doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương xây kho tạm trữ lúa vừa qua, đến nay vẫn chưa được hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư do nhiều điều kiện, thủ tục khó đảm bảo. Tương tự, còn nhiều nông dân, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay hỗ trợ khó khăn vì việc hỗ trợ vốn vay luôn kèm theo điều kiện “đòi thế chấp tiếp”. Chủ trương hỗ trợ phát triển hệ thống trạm bơm điện để chủ động tưới tiêu trong vùng nguyên liệu lúa, mía... là đúng đắn, đã có từ lâu, nhưng khó thu hút các thành phần kinh tế đầu tư do thực hiện thiếu đồng bộ vì cho đến nay Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn chưa có đề án phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ cho vùng ĐBSCL. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được triển khai mấy năm qua, được nhiều người quan tâm cũng đang chờ tháo gỡ bằng các chính sách tiếp sức như đầu tư kênh mương thủy lợi, hỗ trợ giống, hỗ trợ đầu tư máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa... Các chính sách hỗ trợ kinh tế thường “theo đuôi” các thiệt hại, như hỗ trợ người nuôi khi heo bị dịch bệnh lở mồm, long móng, cúm gia cầm, người trồng lúa khi lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, hỗ trợ người trồng dừa khi dừa xuống giá, mua lúa tạm trữ, mua cá tra ... khi hàng tồn đọng nên dẫn đến bị động. Do vậy, tư duy làm chính sách cần được đổi mới, mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng. Để có được một cơ chế, chính sách đặc thù cần tư duy tiếp cận thực tiễn, thước đo hiệu quả của cơ chế chính sách và tính chủ động như vậy. Vấn đề còn lại là phải gắn lợi ích của nhà nước với định hướng và quy hoạch của nhà nước. Để tạo bước đột phá qua liên kết vùng và tham gia “4 nhà”, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã xây dựng đề án tổng thể với 5 dự án nhằm phát triển sản xuất lúa - gạo, cây ăn trái, cá da trơn, tôm nước mặn và nâng cao thu nhập nông dân qua đào tạo nghề. Cụ thể, cây lúa phải được quy hoạch và đầu tư theo vùng sản xuất; tạo điều kiện để liên kết về giống, quy trình sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, tổ chức sản xuất nông dân nối kết với doanh nghiệp. Mỗi tỉnh chọn ra 1 - 2 loại trái cây và 3 - 4 cây trồng phụ, qua đó, địa phương nào có lợi thế so sánh về cây trồng chủ lực sẽ tổ chức với địa phương khác để đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap và Global Gap. Đề án còn hướng đến mục tiêu lai tạo và chọn lọc những giống lúa, cây ăn quả, cá da trơn, tôm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có khả năng chống chịu dịch bệnh và thích ứng với điều kiện khí hậu của từng tiểu vùng sản xuất ở ĐBSCL; xác định các giải pháp kỹ thuật trong quá trình canh tác và sau thu hoạch để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa gạo, trái cây, cá da trơn và tôm, trong đó, việc nối kết nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng. Nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc huấn luyện và chuyển giao khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý nông nghiệp; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Có thực hiện được các giải pháp trên mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm nông sản thật sự! TRẦN HỮU HIỆP |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn