Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
* Thưa ông, trong mấy tháng đầu năm, tiêu thụ nông sản có tình trạng cung vượt cầu, ví dụ câu chuyện dưa hấu vừa rồi, giải quyết bài toán này như thế nào?
- Vừa rồi có xảy ra tình trạng ùn ứ một số sản phẩm nông sản trên cửa khẩu, thật ra tình trạng này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại từ nhiều năm nay. Ví dụ tình trạng ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc hay một số sản phẩm khác.
Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng với các sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đã có quy hoạch hay có kế hoạch dài hạn thì không xảy ra tình trạng này.
Chẳng hạn như lúa, chúng ta hiện đang duy trì chỉ tiêu diện tích trồng lúa ở mức 3,8 triệu ha/năm, như vậy sản lượng lúa của chúng ta không có chuyện tăng đột biến mà nếu có tăng thì cũng tăng từ từ. Vì thế chúng ta tương đối chủ động trong tính toán giữa cung cầu và tìm kiếm thị trường.
Tương tự là mặt hàng cà phê, gần như không có tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu tiêu thụ, trừ khi năm đó cả thế giới được mùa thì tiêu thụ có thể khó hơn chút ít.
Quay trở lại, vừa rồi tình trạng ách tắc hàng nông sản tại một số cửa khẩu xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc có rất lỏng lẻo.
Về dưa hấu, theo tôi được biết, hiện chưa có quy hoạch diện tích trồng dưa hấu trên cả nước là bao nhiêu. Mặt khác, dưa hấu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên khá nhiều địa phương người dân tận dụng mùa vụ giữa 2 mùa lúa để tranh thủ trồng dưa tăng thu nhập.
Việc tự phát này không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán đưa vào quy hoạch được, vì thế dẫn đến sản lượng dưa hấu tăng đột biến.
Cũng cần phải nói rằng chúng ta trồng dưa hấu vẫn nhằm tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Thống kê năm 2014, chúng ta có khoảng 1 triệu tấn dưa hấu thì 700.000 tấn tiêu thụ trong nước, còn lại tiêu thụ sang Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu ở Lạng Sơn (nhiều nhất là Tân Thanh).
Tại cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần. Không phải Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu mà là có các điều kiện.
Thứ nhất là do chất lượng, mẫu mã, kích cỡ sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn, không ít trường hợp thương lái của ta thu mua dưa hấu trong dân mang lên đây không có hợp đồng trước, không có chọn lọc kỹ càng, buộc phía nước bạn phải chọn khắt khe.
Thứ 2, khu vực tập kết xe tải chở hàng hóa làm các thủ tục thông quan ở cửa khẩu của phía Trung Quốc có diện tích rất chật chội, chỉ chứa được khoảng 350-400 xe/ngày. Song có những lúc có đến 1.000 xe dưa hấu của Việt Nam lên, phía họ không thể có cách nào để giải quyết hết được.
Vấn đề này tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo lên Bộ Công thương từ vài năm trước rồi.
Bộ Công thương cùng Bộ NN&PTNT đã có khuyến cáo đối với các địa phương trồng nhiều dưa hấu, nhất là các tỉnh miền Trung, đề nghị khi đưa dưa hấu lên biên giới cần liên hệ với Lạng Sơn và các cơ quan liên quan để có giải pháp điều tiết, kéo dài thời gian thông quan, không bị ách tắc.
Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng biết được thông tin đó.
Thanh long bị đổ ra đường cho bò ăn tại huyện Hàm Thuận Nam sáng 11-8-2014 - Ảnh: Nguyễn Nam |
* Vậy phải làm sao để khắc phục tình trạng này?
- Tôi nghĩ rằng với vấn đề này chỉ có một cách: đầu tiên chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân.
Phải vận động kết nối giữa người nông dân với thương lái, với các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… vì chúng ta vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính, nếu tiêu thụ trong nước tốt thì chắc chắn không xảy ra vấn đề này.
Về vấn đề thông quan, cần làm tốt hơn, chúng tôi đã bàn với một số địa phương mở rộng và xây dựng thêm khu tập kết chờ thông quan hàng hóa để trong trường hợp hàng hóa quá nhiều không thông quan kịp thì có chỗ chứa, bảo quản và chọn lọc hàng hóa.
Hiện chúng tôi đang triển khai điều này.
Có trách là trách các cơ quan quản lý nhà nước Rõ ràng trong thời gian vừa qua tiêu thụ sản phẩm còn khá nhiều vấn đề. Vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp, hợp tác đồng bộ chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, về hướng dẫn người nông dân, tìm kiếm thị trường. Chúng ta không thể trách người nông dân được, bởi vì người nông dân vốn dĩ phải vì cuộc sống mà bươn chải, thấy cái gì có lợi theo chủ quan của mình thì làm. Có trách là trách các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm. Mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị cần xem xét xem mình đã làm cái gì, làm tham mưu cho Chính phủ, cho Nhà nước thế nào, hướng dẫn người dân ra làm sao để càng ngày các biện pháp tham mưu của mình càng có hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng rất mong người nông dân cần chủ động hơn, coi trọng những hướng dẫn, tư vấn của các cơ quan quản lý nhà nước, đừng quá chạy theo mong muốn chủ quan của mình, có khi sẽ không thành công. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn