Đó là nội dung tại buổi tọa đàm “3C: Lời giải cho nông nghiệp thời hội nhập” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, hiện nay nông nghiệp hữu cơ (organic) đang được nhiều trang trại hướng đến, bởi sản phẩm hữu cơ sau khi sản xuất xong được bán ra nước ngoài và thị trường cũng có phản ứng tốt.
Ông Viên cho rằng Việt Nam nếu tiến về hữu cơ, tiến về nông nghiệp organic sẽ nhanh hơn tiến về sản xuất theo công nghiệp. Nhìn về tương lai, có thể thấy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với quốc tế về các sản phẩm organic là rất lớn. Nếu có thêm lợi thế về mặt tiêu chuẩn nữa thì cạnh tranh của Việt Nam sẽ rất tốt.
“Cơ hội của Việt Nam nhiều hơn vì chúng ta có đầy đủ các sản phẩm đó. Ai cũng nghĩ Việt Nam không có nhiều sản phẩm hữu cơ, thế nhưng các sản phẩm này thật ra đã được xuất đi nước ngoài. Mọi người hay nghĩ làm nông nghiệp organic là về rau sạch. Điều đó không đúng, organic là những sản phẩm thực phẩm bình thường mà không sử dụng đến 80 loại hóa chất.
Tôi nghĩ Việt Nam nên đi vào ngách này do nền nông nghiệp của chúng ta nếu đi theo quy mô lớn thì sẽ không cạnh tranh được. Còn đi theo ngách hướng nông nghiệp hữu cơ thì cơ hội sẽ rộng hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về mặt giá cả, đó là điều phù hợp với nông nghiệp Việt Nam”, ông Viên nói.
Ông Viên cho biết giá nông sản ở Việt Nam lâu nay đã vào dạng rẻ nhất. Do đó, nếu như bây giờ đầu ra là nông sản hữu cơ thì lợi thế lại càng lớn. Hiện tại, thị trường nhập khẩu và thị trường nội địa, nhất là ở Hà Nội đang phản ứng rất tốt với các sản phẩm nông sản chế biến được trồng hữu cơ.
Cũng đi theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, nhà sản xuất các sản phẩm gạo, nấm rơm, có trụ sở tại tỉnh Đồng Tháp, nhận định nhu cầu của thị trường với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sạch hiện tại rất lớn.
Đơn cử như sản phẩm nấm rơm sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của công ty này. Hiện tại, nấm rơm do Cỏ May sản xuất đang được bày bán tại siêu thị với giá gấp đôi so với giá của sản phẩm truyền thống, thế nhưng sản phẩm này có lượng tiêu thụ tốt.
Theo ông Thiện, sản phẩm chủ lực của công ty ông là gạo, thế nhưng để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là rơm, công ty quyết định sử dụng nguồn nguyên liệu này và chuyển sang làm nấm.
Không chỉ lấy rơm làm nấm, trong quá trình xay xát và chế biến gạo xuất khẩu, Cỏ May còn tận dụng sản phẩm phụ là cám. Sau đó, ứng dụng công nghệ vào để lấy tinh dầu cám chuyên dùng trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn dùng công nghệ ép viên trấu để làm củi đốt xuất khẩu.
“Các loại sản phẩm phụ này, nếu biết cách ứng dụng khoa học vào thì có cái lời vài chục, có cái lời vài trăm phần trăm. Chi phí công nghệ cũng không quá cao”, ông Thiện nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Minh Trí - người sáng lập và là CEO của Mimosa Technology – công ty chuyên tập trung vào việc ứng dụng xu thế “Internet of Things” để phát triển nông nghiệp thông minh cho hay nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại vận hành dựa trên kinh nghiệm nhiều hơn công nghệ.
Mặc dù được đánh giá cao song trên thực tế, do quy mô nhỏ nên nguồn cung các sản phẩm hữu cơ lại không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Võ Phát Triển - Giám đốc Công ty Việt Đức, một doanh nghiệp tại Đồng Tháp chuyên sản xuất mặt hàng xoài sấy dẻo, cho biết sản phẩm của công ty ông được thị trường Đức ưa chuộng vì khác biệt bởi có nguồn nguyên liệu sạch. Mỗi tháng, khách hàng tại Đức đặt hàng 3 container loại 40 feet, tuy nhiên doanh nghiệp này phải từ chối do không đủ năng lực.
“Công ty chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng vì vùng nguyên liệu, đầu vào chưa ổn định”, ông Triển cho biết thêm.