Nhà đẹp, đường mới, vườn xanh…
Trong giai đoạn 2010 – 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ngày càng đổi mới, ở đâu cũng thấy sáng – xanh – sạch – đẹp hơn.
Xã biên giới Thuận Hà (huyện Đắk Song, Đắk Nông) ngày càng khang trang, sạch đẹp
Nhớ lại ngày đầu tiên bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Lê Xuân Đông - Chủ tịch UBND xã Thuận An (huyện Đăk Mil) cho biết: “Lúc đó ở thôn Thuận Hạnh có một đoạn đường đất ngắn chỉ mấy trăm mét, hễ mưa xuống là người dân lái công nông chở nông sản qua đây từ năm giờ chiều thì chín giờ đêm mới về đến nhà, bố mẹ phải chở con đi học bằng máy cày”. Không chỉ giao thông mà vấn đề rác thải, vệ sinh chuồng trại cũng không đảm bảo, sản xuất kém phát triển…
Với quyết tâm xây dựng NMT, xã đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công cùng với nhà nước xây dựng hạ tầng, có những cuộc họp dân kéo dài 4 - 5 đêm. Khi những công trình đầu tiên ra đời, phục vụ trực tiếp cho người dân thì tinh thần xây dựng NTM dần lan tỏa mạnh mẽ ở các thôn, bon. Người dân tự nguyện góp công, góp của, hiến đất làm đường. Có đường mới khang trang, bà con lại làm hàng rào xanh, trồng hoa, kéo điện thắp sáng… Đến năm 2018, Thuận An được công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Là một trong 3 xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh Đắk Nông, xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút) đang gắng sức hoàn thiện các tiêu chí nâng cao, phấn đấu xây dựng 1 khu dân cư kiểu mẫu và 2 vườn mẫu, rẫy mẫu. Sau 10 năm xây dựng NTM, chất lượng cuộc sống của người dân xã Tâm Thắng luôn được chú trọng hàng đầu. Vì vậy, các dịch vụ về y tế, giáo dục được chú trọng đầu tư; điện – đường – trường – trạm từng bước được nâng cấp. Đặc biệt chính quyền đã tuyên truyền cho bà con áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhờ vậy thu nhập bình quân của người dân xã Tâm Thắng đã tăng từ 19 triệu đồng/người/năm (2012) lên 36 triệu đồng/người/năm (2018). Vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đều được đảm bảo.
Khi người dân đồng thuận
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, công khai dân chủ, xác định rõ xây dựng NTM mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân là chủ thể trực tiếp làm và thụ hưởng nên phong trào thi đua xây dựng NTM ở Đắk Nông đã tạo được sự đồng thuận to lớn.
Ông Nguyễn Văn Khoán (thôn Trung tâm, xã Nam Dong, huyện Cư Jút) vận động bà con hiến đất, ủng hộ vật chất làm đường; trong đó cá nhân ông hiến 6m mặt đường, sâu 60m trị giá 500 triệu đồng…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực có sức lan tỏa đến khắp các vùng quê trên địa bàn tỉnh như phong trào “Ánh sáng đường quê”, phong trào “trồng hoa 2 bên đường”, duy trì và phát triển các đoạn đường thanh niên tự quản…
Nhờ thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” mà kết quả thực hiện các tiêu chí NTM của các xã đã chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như cuối năm 2015 mới có 1 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã chỉ đạt 9,5 tiêu chí thì đến nay đã có 16 xã đạt chuẩn NMT, bình quân chung toàn tỉnh đạt 13,44 tiêu chí/xã (tăng 10,34 tiêu chí/xã so với năm 2011), không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
Dự kiến đến 2020, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ đạt và vượt so với mục tiêu mà Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao.
Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2019 là gần 92.000 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp hơn 520 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công, hiến đất đai, hoa màu là hơn 2.100 tỷ đồng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, đóng góp cho xây dựng NTM như ông Nguyễn Khắc Điệp (thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp) hiến 1.000m2 đất làm đường, ủng hộ Quỹ khuyến học 255 triệu đồng trong 5 năm, đóng góp xây dựng 1 nhà tình nghĩa trị giá 72 triệu đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn