Làng quê ngày càng đổi thay
Ông Lương Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Quế An cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là cơ hội thuận lợi làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đoàn kết, thống nhất, chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện các tiêu chí NTM.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên thực hiện đó là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2018 toàn xã đã huy động 2.204.978 triệu đồng để thực hiện xây dựng các tiêu chí NTM.
Quế An có thế mạnh về ươm cây keo và phát triển kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ ở xã vươn lên làm giàu. Ảnh: T.H
"Đến nay, xã Quế An đã đạt 11/19 tiêu chí NTM. Năm 2019 xã dự kiến hoàn thành thêm 2 tiêu chí gồm: Giao thông và văn hóa, nhằm nâng tổng số tiêu chí đạt được lên 13/19 tiêu chí vào cuối năm nay”. Ông Lương Văn Phước - |
Cũng nhờ nguồn vốn xây dựng NTM, địa phương đã triển khai bê tông hóa các tuyến đường trục xã, đường thôn, đường ngõ xóm, đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã được 38,54km. Về thủy lợi, đến nay, địa phương đã tổ chức thi công kiên cố hóa 2,36km kênh mương nội đồng.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động là 190,25ha. Hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu, sản xuất của người dân. Các tiêu chí khác về điện, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế xã… được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ dân sinh.
Trong sản xuất nông nghiệp, Quế An đã tập trung khuyến khích người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Những năm qua, địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó, trên địa bàn không còn hộ đói, hộ có nhà ở dột nát; đời sống nhân dân được nâng lên, tăng hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Khá giả nhờ kinh tế rừng
Theo ông Phước, là xã có thế mạnh về trồng rừng, toàn xã có hơn 450ha trồng keo, với khoảng 70% số hộ trong xã có rừng. Xác định keo nguyên liệu là cây sản xuất chủ lực, là cây phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu của Quế An để góp phần giảm nghèo bền vững. Vì vậy, địa phương khuyến khích bà con nhân dân đẩy mạnh trồng rừng và mở rộng diện tích. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Điển hình trong phát triển kinh tế của xã phải kể đến mô hình trồng rừng của hộ ông Trương Văn Chè (ở thôn Thắng Tây) trồng 2,5ha keo; hộ ông Lê Văn Nhật (ở thôn Thắng Đông 2) trồng gần 2ha; mô hình vườn ươm cây keo giống của hộ ông Nguyễn Hùng Dũng (ở thôn Thắng Đông 1), Nguyễn Ngọc Vui (ở thôn Thắng Tây); hay mô hình nuôi bò, heo kết hợp của hộ bà Triệu Thị Phi Yến (ở thôn Đông Sơn), Nguyễn Văn Dũng (ở thôn Châu Sơn)… Các hộ tiêu biểu thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 120-150 triệu đồng/hộ/năm” - ông Phước cho biết.
Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,38%.
“Đến nay, xã Quế An đã đạt 11/19 tiêu chí NTM. Năm 2019 xã dự kiến hoàn thành thêm 2 tiêu chí gồm: Giao thông và văn hóa, nhằm nâng tổng số tiêu chí đạt được lên 13/19 tiêu chí vào cuối năm nay. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng các tiêu chí còn lại” - ông Phước nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn