Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình hợp tác xã ở Cần Thơ.
(Ảnh: Hoàng Long).
Hợp Thành, TP. Lào Cai- một trong những địa phương về đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch so với 1 năm (2014) của tỉnh Lào Cai. Nhưng cho đến thời điểm này, khi đến với Hợp Thành, không khó để nhận ra một bức tranh toàn diện về những gì mà một xã nông thôn mới đang phải đối mặt.
Đường sá đi lại của người dân vẫn chưa hết khó khăn, hệ thống thủy lợi vẫn chưa được kiên cố hóa hoàn toàn, điện vẫn chập chờn, nghèo khó vẫn cứ tái diễn do bệnh tật, thiếu sức lao động hoặc chưa có phương án làm ăn…
Những khó khăn đó dù vẫn còn là bức xúc của một bộ phận người dân cho đến thời điểm này- nhưng thật sự, đã có rất nhiều thay đổi.
Nông thôn mới như một cuộc cách mạng thứ hai nhằm từng bước thay đổi thói quen của người dân các dân tộc ở Hợp Thành về một nông thôn truyền thống từ phương thức sản xuất, sinh hoạt, phong cách ứng xử, cả trong nếp nghĩ - cách sống định hình sau hàng ngàn năm lịch sử, sau những thăng trầm của tự nhiên, xã hội và con người.
Trên cơ sở bộ tiêu chí về nông thôn mới mang tính tổng thể, từ quy hoạch, cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và văn hóa, xã hội, thiết chế chính trị... người dân các dân tộc Hợp Thành đã hăng hái, tích cực hưởng ứng dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông nông thôn. Lào Cai cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhờ đó hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn ở Hợp Thành đều cơ bản hoàn thiện và đạt chuẩn theo quy định. Mặt bằng đời sống về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn bước đầu được cải thiện rõ rệt.
Nhưng công cuộc này còn lắm gian nan. Vẫn còn đó những tiêu chí hoàn thành với chất lượng đạt ở mức tối thiểu và có nguy cơ “hụt hơi”. Vì vậy, sau khi đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã Hợp Thành vẫn tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để danh hiệu được công nhận bền vững hơn.
Trong bối cảnh đó, ở nhiều địa phương khác, nông thôn mới đang phải đối mặt với tình trạng nhiều nơi “chạy theo thành tích”, “vung tay quá trán” tiền ngân sách, huy động quá mức sức dân đầu tư công trình để sớm về đích không còn là trường hợp cá biệt. Chuyện các ông nguyên bí thư, chủ tịch UBND huyện Phước Long, Bạc Liêu cho huyện vay “làm nông thôn mới”, kiếm lãi hàng trăm triệu đồng. Hậu quả là huyện điểm về xây dựng nông thôn mới trở thành “con nợ chúa chổm”.
Đây là những góc khuất vẫn đang tồn tại trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và đó là lý do vì sao Hợp Thành cũng như nhiều địa phương khác dù đã chạm tới con số 19/19 tiêu chí vẫn đang phải đặt ra yêu cầu “làm mới nông thôn mới” từ tư duy, cách làm nghiêm túc và thực chất hơn.
Xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội chọn để tập trung thực hiện cho giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020) thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây.
Và việc UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng vì mục đích cuối cùng cũng không nằm ngoài mong mỏi ấy.
Cuộc vận động này được hình thành từ thực tiễn 20 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Với 5 nội dung cơ bản. Đó là, toàn dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái; tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.
Nông thôn mới và đô thị văn minh là nơi mà mỗi cá nhân muốn vươn lên, tự khẳng định mình, tạo dựng chân giá trị của chính bản thân mình trong cộng đồng, trong cuộc sống. Quan trọng nhất người dân là nhân vật trung tâm, làm chủ nông thôn mới, làm chủ đô thị văn minh. Cùng với sự giúp sức, hỗ trợ của cộng đồng và các công nghệ hiện đại họ sẽ tạo dựng nên một nông thôn mới, đô thị văn minh mạnh giàu, dân chủ, kỷ cương, văn minh, hạnh phúc, thân thiết với môi trường mà vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Còn nhớ, vào hồi đầu tháng 12 năm ngoái, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời điểm mà hơn nửa năm trước khi thành phố Huế được công nhận danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới bầu chọn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã từng ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Một đô thị thông minh mà ở đó “phải làm sao để mỗi người dân là một cảm biến xã hội” vừa là mục tiêu vừa là động lực để hướng tới việc xây dựng chính quyền hiện đại phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân.
Hiện nay, chưa có một định nghĩa hay khái niệm cụ thể nào cho “đô thị thông minh” nhưng việc xây dựng một “thành phố thông minh” hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.
Thành phố thông minh là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.
Con người thực sự được “giải phóng”, được hỗ trợ không gián đoạn bởi công nghệ.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục gợi ý địa phương này có đủ các điều kiện để triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh với đòi hỏi trước hết phải làm sao để mỗi người dân là một “cảm biến xã hội”.
Người đứng đầu Mặt trận đã dành hẳn một chuyên đề riêng cho Đà Nẵng với một chiến lược dài hạn mà ở đó là những đề xuất, trăn trở làm sao Đà Nẵng có được một chính quyền thông minh. Chính quyền thông minh phải kết nối được với những công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh.
Những tình cảm, góp ý chân thành, khoa học của người đứng đầu Mặt trận đã tiếp thêm động lực cho Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khi ông khẳng định, Đà Nẵng sẽ quyết tâm trở thành thành phố thông minh.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, Việt Nam cần phát triển đô thị thông minh với các mục tiêu: hiệu quả kinh tế ngày càng cao; môi trường sống ngày càng tốt hơn; người dân được phục vụ tốt hơn, được tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền với vai trò chủ thể.
Và việc làm mới nông thôn mới cũng vậy. Nông thôn mới tạo môi trường để con người sống, làm việc và ngày càng hòa nhập với cộng đồng hơn với một quan niệm cộng đồng mở không bó hẹp trong lũy tre làng.
Một trong những cái khó nhất của nông thôn mới hiện nay là thách thức dài hạn của hội nhập quốc tế và thách thức ngắn hạn có thể lặp lại của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện đường lối lớn của Đảng, Nhà nước tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trong đó, hai con đường chủ yếu chính là hiện thực hóa liên kết của người sản xuất đơn lẻ thông qua liên kết mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp.
Nếu nông dân không đi theo hai trục này sẽ không đủ sức đương đầu và những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước không thể đến với nhân dân.
Ngày 22-7-2016 là tròn 1 năm Thủ tướng có Chỉ thị 19 về việc đẩy mạnh thực hiện Luật HTX 2012. Trên cơ sở chương trình cam kết với Chính phủ, Mặt trận cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan, tổ chức đã sơ kết việc thực hiện Chỉ thị này trong tháng 6 vừa qua.
Bên cạnh những đổi thay hiệu quả từ các mô hình hợp tác xã kiểu mới những người tâm huyết với vấn đề này đều chỉ ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 19.
Một trong những trăn trở ấy theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân là trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần bổ sung tiêu chí xã đạt nông thôn mới thì phải có hợp tác xã kiểu mới.
“Không thể xã nông thôn mới mà hợp tác xã lại kiểu cũ. Điều này không đảm bảo cho sự phát triển bền vững”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Hợp tác xã kiểu mới được cho là sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề đang tồn tại ở nhiều khu vực nông thôn với thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ - nguyên nhân chính khiến người nông dân không làm giàu được trên chính đồng đất quê hương mình.
Làm mới nông thôn mới cần những con người mới- những con người dám thay đổi lối sống khép kín, bó mình, bảo thủ trì trệ, ngại sợ đổi mới.
Những con người dám phá bỏ xiềng xích của lối tư duy bảo thủ của người sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp. Ðồng thời, cũng là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đích đến của nông thôn mới hay đô thị văn minh vẫn còn ở phía trước nên hơn bao giờ hết cần phải có được những con người mới, nghĩ mới, làm mới để thật sự xây dựng được môi trường đáng sống, mọi người dân hài lòng.
Theo Hoàng Yến/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn