Những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại các địa phương đã góp phần đưa nông nghiệp chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa mạnh mẽ, đáp ứng mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. |
Xây dựng xã nông thôn mới không phải là chỉ xây dựng con đường bê tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa hay hệ thống kênh mương nội đồng...; hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) mới là điều kiện cần chứ chưa đủ, bởi mục tiêu căn bản nhất, quan trọng nhất là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tổ chức nông thôn và vai trò làm chủ của người nông dân.
Khơi thông nguồn lực trong dân
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Yên Bái là nơi sớm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh có 20% số xã đạt chuẩn xây dựng NTM và đến năm 2020 có 50% số xã. Để cụ thể hóa, tỉnh xây dựng 2 mô hình điểm là xã Đại Phác (Văn Yên) và Tân Đồng (Trấn Yên), mỗi huyện, thị, thành phố lựa chọn xây dựng 1 xã điểm tại địa phương mình.
Sau ba năm triển khai, chương trình đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. Tuy vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nhưng nhìn một cách tổng thể thì các địa phương đã vào cuộc tích cực, nhất là người nông dân, không chỉ các xã xây dựng điểm mà hầu hết các xã đã và đang mang một diện mạo mới.
Không làm ồ ạt mà mỗi huyện, mỗi địa phương chọn ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện thực tế của mình, nơi thì chọn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm thu nhập người dân là then chốt; nơi lại chọn xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa làm nền tảng cho phát triển, nhưng tất cả đều hướng đến một NTM toàn diện để cùng đất nước đi lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những ngày đầu xuân này, chúng tôi về xã Đại Phác (Văn Yên), Tân Đồng (Trấn Yên) và xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đã thật bất ngờ bởi những đổi thay. Chỉ cách đây vài mùa xuân, những địa phương này còn nghèo, đường sá đi lại vô cùng khó khăn nhất là ở Tân Đồng, cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) vẫn tạm bợ và nhếch nhác nhưng hôm nay đã khang trang, đẹp đẽ.
Trạm y tế đạt chuẩn, đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, con em đồng bào các dân tộc được học dưới mái trường khang trang và sự chăm lo trìu mến của những cô giáo được đào tạo bài bản. Không chỉ có trục đường chính mà cả các tuyến đường liên thôn, liên bản đã cơ bản được bê tông hóa, rộng rãi, sạch đẹp. Bộ mặt nông thôn khang trang đẹp đẽ hơn, cuộc sống người dân đã cải thiện hơn rất nhiều. Còn xã Tuy Lộc, đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM.
Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Tuy Lộc không ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà coi đó chỉ là chính sách kích cầu, tạo đòn bẩy khơi thông nguồn lực trong nhân dân. Nhân dân góp công, góp sức, góp của cùng Nhà nước quyết tâm xây dựng NTM. Xã xác định xây dựng NTM như một cuộc cách mạng, không nóng vội, làm đến đâu hiệu quả đến đấy, tránh tình trạng chạy theo thành tích gây lãng phí nguồn lực đầu tư vốn đã hạn hẹp”.
Không riêng gì người dân Tuy Lộc, 3 năm qua, toàn tỉnh đã có 152 xã trên địa bàn toàn tỉnh cùng vào cuộc xây dựng NTM và đã có 140 xã hoàn thành lập đề án xây dựng NTM. Cũng trong 3 năm đã có hơn 300 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng mới. Đặc biệt đã kiên cố hoá 250km, mở mới nền đường 650km với tổng vốn đầu tư trên 469 tỷ đồng. Trong đó vốn nhân dân và các tổ chức, cá nhân đóng góp gần 200 tỷ đồng - một con số ngoài sức tưởng tượng ở một tỉnh còn nghèo như Yên Bái.
Trong điều kiện “tấc đất tấc vàng” như hiện nay mà đã có hàng ngàn tấm gương sáng trong nhân dân đã tự nguyện hiến trên 73ha đất để làm giao thông mà không nhận một đồng đền bù nào. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Vinh ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã tự nguyện hiến hơn 100m2 đất thổ cư và dỡ bỏ hàng trăm mét tường rào để ủng hộ xây dựng đường giao thông.
Không chỉ hiến đất, gia đình ông còn trồng lúa, trồng dâu tằm, kết hợp chăn nuôi, sau trừ chi phí còn lãi cả trăm triệu đồng/năm. Như vậy, khi người dân được bàn bạc, thấy việc có lợi cho thôn bản, cho xã cũng là có lợi cho mình thì sẽ có được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân. Bên cạnh đó, các địa phương còn xây dựng được 50 mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường, tạo một tư duy mới, cách làm mới cho người dân.
Người dân xã Tuy Lộc sản xuất rau xanh cung cấp cho thị trường.
Cần một chiều sâu
Rõ ràng qua 3 năm thực hiện xây dựng NTM đã giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt của người dân nông thôn như đường - trường - trạm và các thiết chế văn hóa, hệ thống kênh mương nội đồng làm nền tảng cho phát triển. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay đã có 60 xã đạt 5 tiêu chí trở lên, trong đó có 10 xã đạt được 10 tiêu chí trở lên và có 1 xã đạt gần đủ 19 tiêu chí.
Những kết quả đó là rất đáng trân trọng, tuy nhiên có một thực tế là xây dựng NTM ở các xã vẫn chưa có chiều sâu. Khi nói về vấn đề này, ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thẳng thắn cho biết: “Xây dựng NTM không phải là nhất thời, không phải là phong trào mà mục đích cuối cùng phải là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tổ chức nông thôn, đặc biệt là vai trò làm chủ của người nông dân”.
Mục đích của xây dựng NTM đã rõ ràng, do đó các địa phương không nên chạy theo phong trào, cố ép phải đạt cho đủ 19 tiêu chí mà cái chính là làm thế nào để khai thác, phát huy được các tiêu chí ấy để phục vụ cho phát triển. Hay nói đúng hơn là đã hoàn thành các tiêu chí thì ta phải giữ và phải đưa các tiêu chí ấy vào cuộc sống người dân. Các địa phương không nên cố làm cho đủ các tiêu chí, càng không nên coi NTM là một danh hiệu.
Quả đúng như vậy. Qua thực tế tại Tuy Lộc thành phố Yên Bái hay Đại Phác (Văn Yên), Báo Đáp (Trấn Yên)… tuy đã có đổi thay nhưng cuộc sống người dân vẫn chưa thật bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa rõ nét, người dân vẫn còn rất thiếu thốn tư liệu sản xuất và lúng túng chưa biết sản xuất ổn định cây gì, con gì. Khi được hỏi, hầu hết họ đều có mong muốn Nhà nước tiếp tục có chương trình hỗ trợ thức đẩy bằng cơ chế, chính sách như: hỗ trợ giống, phân bón sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt có chính sách mạnh thu hút, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. Hiện đã nhiều địa phương hình thành vùng sản xuất chuyên canh, hàng hóa lớn nhưng vẫn chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp dẫn đến không thể thành công. Đã sản xuất hàng hóa nhưng nhỏ lẻ thì không thể nào nâng cao thu nhập và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được!
Người dân xã Lâm Thượng (Lục Yên) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Ông Mai Mộng Tuân -cũng khẳng định: Để xây dựng xã NTM, chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, tiếp đó là phải thực hiện “dồn điền đổi thửa” để tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng thâm canh, chuyên canh, đưa khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đào tạo nghề chuyển dịch mạnh từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm tăng thu nhập người dân. Dân có điều kiện kinh tế mới có cái để tiếp tục đóng góp xây dựng NTM.
Một vấn đề mấu chốt là phải làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất manh mún, lạc hậu đi lên sản xuất lớn, từ sản xuất tự sản tự tiêu đi lên sản xuất hàng hóa. Xã nông thôn mới là ngày nào cũng phải quan tâm đến việc chính quyền hoạch định chính sách, chỉ đạo định hướng sản xuất, người dân đẩy mạnh sản xuất, tuân thủ vệ sinh môi trường, giữ gìn văn hóa. Đặc biệt, nông dân phải thực sự chuyên nghiệp trong sản xuất, sản xuất mang tính bền vững lâu dài chứ không thể làm ăn theo kiểu chụp giật hay phong trào thì mới có thể bền vững.
Không chỉ là xây dựng con đường bê tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa hay hệ thống kênh mương nội đồng... mà phải là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tổ chức nông thôn, đặc biệt là vai trò làm chủ của người nông dân, đó mới là xã NTM thực sự.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn