Phấn đấu đến 2020, thành phố có 80% số xã trở lên cùng 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới - đó là một mục tiêu đẹp, không chỉ ở con số mà ở khát vọng thực chất phía sau đó về một đời sống nông dân, nông thôn được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.
Nhìn rộng ra, đó cũng là khát vọng nâng cao chất lượng sống của một bộ phận lớn người dân Thủ đô Hà Nội.
Đây hoàn toàn không phải là những khát vọng chung chung mà là những “chỉ lệnh” thể hiện qua các chính sách của cả nước và Hà Nội. Trong đó, tháng 10-2016 UBND TP Hà Nội ban hành một Kế hoạch nhằm cụ thể hóa toàn bộ mục tiêu, nội dung nhiệm vụ Quyết định ngày 16-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” và Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”…
Nói gọn lại, với hệ thống tiêu chí theo các quyết định và quy định của Chính phủ thì đến nay, ngoài hai huyện Đan Phượng và Đông Anh, cùng 255/386 xã được công nhận nông thôn mới, Hà Nội có thêm hai huyện trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để đề nghị xét công nhận đạt chuẩn này. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác cũng đang tiến rất gần nông thôn mới với tỷ lệ tiêu chí đạt được cao… Nhưng khó thường dồn về chặng cuối! Đặc biệt với một số tiêu chí vốn được xem là thách thức chung của cả nước như môi trường, sản xuất, giáo dục..., thì không ít địa phương lộ rõ lúng túng... Đây thực sự là thời điểm cần sự tập trung cao độ không chỉ để có thêm nhiều xã, nhiều huyện có thể cán đích trong năm 2017 mà quan trọng là để các địa phương tận dụng cơ hội ngay từ trong khó khăn dịp này mà bứt phá đi lên.
Nông thôn mới xét đến cùng là vì người dân và sự phát triển chung của thành phố, vậy nên để thành công phải cần đến sự cộng sinh trách nhiệm.
Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng thành phố vẫn ưu tiên nguồn lực cho chương trình nông thôn mới, rồi yêu cầu các sở, ngành tập trung hỗ trợ…, và vì thế, các ngành, các địa phương và người dân cũng cần có vai trò, trách nhiệm riêng. Trong đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền tốt hơn về ý nghĩa việc xây dựng nông thôn mới; sâu sát, phản hồi kịp thời những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện; tích cực đưa ra sáng kiến; hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế - xã hội ở địa phương… Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn trong sạch, vững mạnh cũng là một nội dung đặc biệt quan trọng để có thể bảo vệ các thành quả đạt được của nông thôn mới.
Bản thân người dân cũng có thể đóng góp vào nỗ lực chung này bằng hành động cụ thể từ việc nhỏ đến việc lớn. Nông thôn Việt Nam mạnh ở tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm. Đưa những nhân tố tích cực vào cộng đồng, nhờ sức mạnh cộng đồng để giữ gìn, bảo vệ, nâng cao chất lượng các tiêu chí thực sự là việc làm lâu dài, cần thiết. Câu chuyện về người chủ một doanh nghiệp đã cùng với anh em bạn hàng tích cực ứng vật tư phục vụ xây dựng nông thôn mới cho cả huyện, trong bài viết “Ông Lượng nông thôn mới” (Báo Hànộimới số ra ngày 16-7) là một ví dụ điển hình.
Cuối cùng, chương trình nào cũng có giới hạn về thời gian, trong khi cuộc sống nông dân, nông thôn thì cần mới và nâng cao mỗi ngày. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các bộ, ngành, không gì hơn, chính quyền địa phương, người dân vẫn phải là những nhân tố chủ động trước tiên, cao nhất để nhân rộng các điển hình, giữ vững, phát huy các tiêu chí, biến chương trình hạn định thành chương trình đồng hành trọn vẹn, máu thịt với nông dân, nông thôn Hà Nội.
Chỉ khi đó nông thôn mới sẽ mới thực chất!
Theo Hà An/hanoimoi.com.vn