Xã nghèo Lộc Bắc ngày càng thay da đổi thịt Với tổng diện tích 25,8 ngàn ha, đất của xã Lộc Bắc chủ yếu là đất rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp, chỉ có hơn 2,5 ngàn ha đất nông nghiệp và đất chuyên dùng, được chia thành 4 thôn. Địa hình Lộc Bắc phần lớn là núi cao, suối sâu, người dân tản ra tựa vào các triền dốc để ở, có thôn cách trung tâm xã hàng chục km đường rừng. Ông Vương Khả Kim- Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, chia sẻ: "Xã Lộc Bắc những năm trước như 2010 – 2011, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện chiếm tới 55,41%. Bởi vậy trong các kỳ họp mọi người sôi nổi luận bàn việc xóa nghèo, nâng chất lượng cuộc sống. Kết quả đáng mừng sau gần 4 năm thực hiện xóa nghèo bền vững, cả 4 thôn trong xã đều có đường dân sinh bê tông hóa, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học… đều được cải thiện. Năng suất và sản lượng của bà con tăng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 105 hộ, chiếm 10,4%...”. Ngày nay đường về Lộc Bắc, Lộc Bảo với bà con người Mạ đã nhanh hơn, gần hơn xưa rất nhiều. Cung đèo B40 xuyên qua vùng rừng hẻo lánh, kéo dài đã thảm nhựa phẳng phiu vào tận trung tâm xã. Chương trình Nông thôn mới đã và đang được thực hiện, kiên cố hóa kênh mương, đường bê tông hóa đã đến tận ngõ từng nhà… Trước đây, để có thể học lên bậc THPT, con em người dân bản địa phải vượt rừng hàng chục km đi nội trú tận thị trấn Lộc Thắng hay thành phố Bảo Lộc. Nhưng quá khứ đó đã qua từ lâu. Hiện nay, Lộc Bắc đã có 1 trường THPT, 2 trường THCS, trường tiểu học và mầm non ngày càng khang trang, chất lượng giáo dục ngày càng cải thiện… Thông tin từ UBND xã cho biết đã có hơn 200 hộ dân đăng ký thoát nghèo sau 3 năm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách cho vay hỗ trợ thoát nghèo chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, bà con nông dân chăm lo canh tác làm ăn, không ỷ lại nhà nước nữa. Từ chuyện chật vật với miếng cơm manh áo sau ngày đất nước đổi mới, hiện đã có hơn 15% trong tổng số 950 hộ dân tộc thiểu số ở Lộc Bắc có tổng thu nhập hàng năm từ 70 - 90 triệu đồng từ các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng – rừng. Ông K’Tư - Chủ tịch UBND xã tự hào, nói: "Trước đây, chúng tôi không dám nghĩ có ngày con cháu mình có thể học đến đại học, cao đẳng. Nhưng hiện nay, trong xã đã có 50 gia đình đang nuôi con học đại học ở các thành phố lớn, đó là niềm tự hào và là khởi sắc rõ rệt của xã nghèo như Lộc Bắc…”. Nói về câu chuyện thoát nghèo ở đây không thể không nói đến Già làng K’ Vổi. Nhiều người trong huyện biết ông không chỉ là già làng, Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã Lộc Bắc mà chính là câu nói và hành động của ông. Già tâm sự: "Xã bình chọn đưa tôi vào danh sách gia đình nghèo nhưng tôi kiên quyết không nhận. Tôi tuổi cao nhưng vẫn còn sức khỏe lao động, để làm ra hạt thóc, hạt ngô nuôi gia đình, vậy sao nhận hộ nghèo được”. Ông Âu Phương Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, hồ hởi: Nhà già K’Vổi là tấm gương sáng cho người dân nơi đây. Cũng từ tấm gương ấy, cả xã bây giờ đã có rất nhiều nhà xây khang trang, không còn chịu cảnh "thấm nắng, dột mưa” nữa. Mục tiêu của Lộc Bắc năm 2015 là: thu nhập bình quân từ 15 - 25 triệu đồng/năm/người; 500 ha cà phê, sản lượng lương thực 428 tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đạt 250 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện gần 1,5 tỷ đồng; giảm 20 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 8%; tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 2,5%; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt nông thôn...”. Với những gì đang diễn ra thì mục tiêu ấy của Lộc Bắc chắc sẽ sớm thành hiện thực. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn