Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016 - 2020 tại Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2017, được tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 15.4.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường nêu bất cập lớn nhất là mục tiêu xây dựng NTM để đảm bảo nâng cao đời sống của nhân dân khu vực nông nghiệp, nông dân nông thôn, khu vực vùng miền nhưng kết quả thì khoảng cách vùng miền ngày càng giãn rộng.
Những vùng miền có điều kiện phát triển kinh tế đã tổng hợp được nguồn lực lớn, số xã NTM, số tiêu chí bình quân, thiết chế hạ tầng đời sống nhanh hơn, thậm chí nhiều lần so với khu vực khó khăn.
Ông cũng cho rằng Bộ tiêu chí 19 nhóm tiêu chí xây dựng NTM khi đưa vào cuộc sống nhiều vùng không phù hợp, đặc biệt nhóm tiêu chí cứng như đường, trường, trạm, nghĩa trang... vùng nào cũng như vùng nào, áp vào đặc thù từng nơi không trúng.
Từ chỉ đạo đến việc phân bố nguồn lực còn tập trung nhiều hơn vào thiết chế hạ tầng mà chưa chú ý thích đáng tập trung thúc đẩy vào sản xuất, đổi mới sản xuất, tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề về môi trường sống, sản xuất, an ninh không được cải thiện nhiều.
“Hiện nay, kể cả một số xã đạt chuẩn rồi nhưng về vấn đề môi trường chưa đạt yêu cầu”, ông Cường nói và khẳng định vấn đề môi trường là mục tiêu cốt lõi trong CTMTQG về xây dựng NTM.
Lãnh đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới tham quan mô hình vườn mẫu tại xã Sơn Trà, H.Hương Khê (Hà Tĩnh)
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê bình một số tỉnh thành có biểu hiện chạy đua theo tiến độ, dẫn đến nợ. “Kết thúc năm 2015 chúng ta có nợ đọng với số tiền gần 16.000 tỉ đồng của 42 tỉnh thành. Nơi nào có phong trào nhanh thì tập trung nợ nhiều như đồng bằng sông Hồng và một số nơi. Sự vào cuộc của các địa phương không đồng bộ, ngay trong các địa phương cũng không đồng bộ trong các tiểu vùng”, ông Cường nói về những tồn tại nêu ra trong tổng kết 5 năm và cho biết một trong những mục tiêu chuyển sang giai đoạn 2 (năm 2016 - 2020), đầu tiên phải giải quyết được tồn tại nêu trên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về CTMTQG về xây dựng NTM. Sau chương trình giám sát tối cao, Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết về xây dựng NTM.
Tại hội nghị, đại biểu đã trình bày các tham luận chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng NTM như: kinh nghiệm triển khai xây dựng mô hình OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) sau 3 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng mô hình vườn mẫu trong xây dựng NTM tại Hà Tĩnh; giải pháp xây dựng NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện sau đạt chuẩn NTM của TP.Hà Nội... Riêng chương trình OCOP được triển khai thí điểm tại Quảng Ninh, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị T.Ư đưa vào nghị quyết để triển khai nhân rộng trên cả nước.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết CTMTQG về xây dựng NTM là một chương trình hành động cụ thể, được triển khai trên phạm vi 9.000 xã, gần 700 huyện của 63 tỉnh thành. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, cả nước có 33 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; 2.656 xã (đạt 29,76%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Chỉ riêng năm 2016, tổng nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương xây dựng NTM là 6.897 tỉ đồng. Dự kiến năm 2017, cả nước huy động được khoảng hơn 222.000 tỉ đồng đầu tư thực hiện chương trình với mục tiêu cả nước phấn đấu có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn NTM. |