Người trồng bưởi ở Mỹ Hòa đã nắm vững kỹ thuật xử lý cho trái theo ý muốn.
Hiệu quả bước đầu
Sau gần 6 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, theo BCĐ các địa phương xác định cho đến thời điểm này, trong 19 tiêu chí có lẽ khó nhất vẫn là tiêu chí số 10- thu nhập. Bởi đây là tiêu chí luôn động so với nhiều tiêu chí khác.
Chuẩn của tiêu chí thu nhập ở xã NTM bình quân đầu người năm 2014 là 25 triệu đồng; năm 2015 là 29 triệu đồng; năm 2016 là 33 triệu đồng và đến năm 2020 phải đạt 49 triệu đồng/năm. Tức là mỗi năm địa phương phải có giải pháp sao cho thu nhập tăng bình quân 4 triệu đồng/ người/ năm.
Xác định bước đi này, trong vài năm qua tại các xã nỗ lực về đích NTM đã phấn đấu bước đầu đạt được kết quả. Nhưng càng về sau mục tiêu trên bắt đầu khá “mỏi mệt”, bởi đa số xã xây dựng NTM đều chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Trong khi cây lúa đã bão hòa hay nói cách khác là “đội trần” về năng suất, khó có thể tăng thêm.
Chính vì vậy, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đặt ra, và những năm gần đây ở một số xã đã dần hình thành rõ hơn các mô hình sản xuất theo hướng chuyên canh các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Các mô hình có thể nhận diện được là mô hình sản xuất khoai lang ở xã Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành; trồng hành lá ở xã Tân Bình (Bình Tân); trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, Đông Thành (TX Bình Minh); các làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Ngãi Tứ (Tam Bình); trồng cam sành ở xã Hựu Thành (Trà Ôn); trồng bưởi da xanh ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm), xã An Phước (Mang Thít);…
Nhiều người dân Bình Tân khá lên nhờ trồng màu. |
Cần bền vững
Thế mạnh của các xã thuộc huyện Bình Tân vẫn là trồng màu, mà trọng tâm vẫn là cây khoai lang và một số loại cây màu hiệu quả khác.
Bước đầu xác định khoai lang là một trong những loại đặc sản của địa phương này- theo đồng chí Đặng Văn Chính- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Tân- nhờ sự tập trung chỉ đạo các địa phương vận động người dân trồng rải vụ nên giá khoai giữ được ổn định ở mức cao từ cuối năm 2015 đến nay, không bị “trúng mùa rớt giá” như những năm trước đây, nên mang lại thu nhập khá cho người dân, góp phần nâng cao và giữ vững tiêu chí thu nhập cho các xã đã và đang phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Tại xã Mỹ Hòa, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Bảy, hiện Mỹ Hòa có hơn 1.400ha vườn cây ăn trái, hầu hết đều trồng bưởi Năm Roi, một ít trồng bưởi da xanh. Đến thời điểm hiện nay, nông dân trồng bưởi xuất bán trung bình 100 tấn bưởi/ ngày. Hiệu quả từ kinh tế vườn đã góp phần đưa thu nhập của người dân Mỹ Hòa và Đông Thành không ngừng được nâng lên.
Ở xã NTM Hựu Thành (Trà Ôn), thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp, BCĐ xã khuyến khích nhân dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái, trong đó vườn cam sành từ ruộng chuyển sang là 257ha, đang cho trái khoảng 165ha.
BCĐ xã cho biết, giá cam hiện đạt khá cao (có lúc 40.000 đ/kg mùa nghịch). Năm nay có khoảng 170ha cam cho trái mùa nghịch và cho lãi khoảng 300 triệu đồng/ha, cá biệt có người làm giỏi có thể đạt gần tỷ đồng/ha.
Theo ông Dương Văn Săng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình (Vũng Liêm), nếu như năm 2010, toàn xã có chưa đến 10ha bưởi da xanh thì hiện đã trên 300ha. Trong đó có hơn 40ha được ngành nông nghiệp hỗ trợ cây giống. Đến nay có khoảng 100ha bưởi da xanh đã cho trái.
Diện tích bưởi da xanh được mở rộng nhanh, một phần là nhờ ngành nông nghiệp cũng như địa phương khuyến khích, đồng thời giá bưởi luôn ổn định ở mức cao, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Theo BCĐ Xây dựng NTM xã An Phước (Mang Thít), toàn xã hiện có trên 1.000ha đất nông nghiệp, trong đó có đến 610ha vườn bưởi, nhãn, sầu riêng...
Dựa vào lợi thế này, xã An Phước đang tiếp tục triển khai nhiều mô hình, dự án như các mô hình trồng bưởi da xanh, sầu riêng,... khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả thành vườn cây ăn trái đặc sản. Trong vài năm nữa, đây sẽ là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân.
Tuy nhiên, phần lớn người dân trồng cây ăn trái còn tự phát theo phong trào, số diện tích và người trồng am hiểu về kỹ thuật trồng và đảm bảo trái cây an toàn, để trái cây “ngon và lành” cũng chưa nhiều.
Muốn phát triển bền vững, lâu dài, và an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải có sự liên kết tổ chức chặt chẽ, có thương hiệu, để không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo điều kiện đạt chuẩn tiêu chí thu nhập theo lộ trình trong những năm tới.
|
Cuối năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Tân đạt 3.216 tỷ đồng, so năm 2010 bình quân tăng 6%, thu nhập bình quân 130 triệu đồng/ha/năm (2010) tăng lên 200 triệu đồng/ha/năm (2015); xây dựng được nhiều mô hình sản xuất luân canh lúa- màu, chuyên canh đa dạng chủng loại giống màu có hiệu quả kinh tế cao. |
Theo TRẦN ÚT/baovinhlong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn