Chúng tôi về xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng một ngày cuối tháng 8. Những lô cao su ở đây đã có mặt ở đây gần 1 thế kỷ qua vẫn một màu xanh mướt. Giờ thì nông thôn mới đã thành hình rõ rệt trên làng cao su 14 năm xưa…
Ghi dấu lịch sử
Trước khi người Pháp khai mở đồn điền cao su, Dầu Tiếng là chốn rừng già ngút ngàn. Sau đó, Dầu Tiếng trở thành vùng đất thuận lợi cho việc phát triển cây cao su. Cũng bắt đầu từ đây, khi thực dân Pháp đầu tư khai thác cây cao su, một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đã diễn ra.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, trên mảnh đất rừng núi bạt ngàn phía bắc 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính này, nhiều nông dân nghèo khó từ đồng bằng châu thổ Bắc bộ, từ mảnh đất miền Trung đầy nắng gió và những cụm dân cư thưa thớt dọc lưu vực sông Sài Gòn đã đến trụ sở hãng Michelin đưa ngón tay quệt mực, điểm chỉ vào thẻ giao kèo và tự nguyện gắn cuộc đời mình với đồn điền cao su.
Cùng với việc mở rộng diện tích, hãng Michelin chiêu mộ thêm công nhân. Rừng phá tới đâu, phu công tra phải dọn tới đó, mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều tối phải đào hố trồng cao su. Đến năm 1930, số công nhân đồn điền lên tới 977 người gồm cả công tra Bắc, Trung và người bản địa nghèo khó phải bán sức lao động cho tư bản thực dân. Năm 1931 trở đi, các lô cao su được mở rộng, số công tra ở đồn điền Dầu Tiếng cũng tăng lên. Tư bản Pháp phân đồn điền thành 22 làng để cai trị. Chính sách cai trị ngày càng tinh vi, lối đánh đập thay bằng cúp phạt, bòn rút sức lao động phu công tra.
Cũng chính từ cuộc sống cơ cực, bị thực dân dồn ép, áp bức mà phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng bắt đầu nảy nở và phát triển mạnh mẽ. Âm vang của phong trào công nhân Dầu Tiếng vẫn còn vang mãi khi đêm 24-8- 1945 lịch sử, công nhân cao su Dầu Tiếng, nông dân xã Định Thành, nòng cốt là lực lượng thanh niên tiền phong, lực lượng tự vệ công nhân do chiến sĩ Trần Văn Lắc lãnh đạo nhất tề nổi dậy. Trên tay dù chỉ tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác nhưng đoàn người cứ thế tiến vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su, các cơ sở sản xuất, nhà chủ, sếp, xu cai… của bọn chủ Tây mà đến. Cùng với lực lượng thanh niên tiền phong, thanh niên cứu quốc dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Sớm, Huỳnh Văn Lơn, người dân Dầu Tiếng đã ào ạt vùng lên bao vây đánh Nhật, kháng Pháp giành chính quyền thắng lợi.
Bước qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng cao su Dầu Tiếng tiếp tục đi vào lịch sử với những chiến công vang dội, tiêu biểu là trận thắng vang dội làng cao su 14 vào ngày 27-11-1965. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Trần Nam Hùng (cán bộ hưu trí, sống ở quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 nhớ lại, đó là một trận đánh vô cùng ác liệt nhưng cuối cùng chúng ta đã giành thắng lợi to lớn. Trận chiến tại làng 14 năm ấy ta đã tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn và ban chỉ huy trung đoàn địch, làm tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn khác, diệt và bắt sống 1.200 tên, thu nhiều vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng…
Xã nông thôn mới đầy sức sống
Lô cao su lịch sử ở làng 14 năm xưa nay đã trở thành nơi giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, cuộc đấu tranh kiên cường của cha ông. Chúng tôi về Định Hiệp, được người dân trong xã dẫn đến lô cao su được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Những cây cao su già, to bằng cả người ôm vững vàng theo thời gian, chứng kiến bao chiến công hiển hách của cha ông. Giờ đây, làng 14 năm nào đã trở thành xã nông thôn mới Định Hiệp tràn đầy sức sống.
Ngay từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, Định Hiệp nhanh chóng được huyện Dầu Tiếng chọn làm một trong những địa phương đi đầu. Ngay sau đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Định Hiệp quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã đã huy động được trên 2,2 tỷ đồng đầu tư 17 tuyến đường bê tông xi măng với tổng chiều dài 6.560m; vận động nhân dân hiến đất, hoa màu để làm đường với tổng giá trị tài sản trên 3,7 tỷ đồng và trên 10.000m2 đất... Đến đầu năm 2015, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng từ đây, bộ mặt phát triển kinh tế của toàn xã đã có sự biến đổi lớn, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Hiện toàn xã Định Hiệp có 2 công ty chế biến gỗ với quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 81 tỷ đồng và Công ty Bất động sản Dầu Tiếng đã quy hoạch và thực hiện khu dân cư với tổng vốn 56 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã bàn giao gần 70.000m2 đất tạo điều kiện để xã đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa xã, xây dựng các thiết chế văn hóa…
Ông Hoàng Minh Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định Hiệp cho biết, với sự quyết tâm cao và những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay xã Định Hiệp đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 39/39 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; đồng thời từng bước hoàn thiện kết cấu kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 31,5 triệu đồng/năm (năm 2010 là 15,5 triệu đồng/ người); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giảm còn 1,46%.
Theo MINH NGUYỄN/baobinhduong.vn