Ảnh minh hoạ
Như vậy, về cả bản chất và hình thức, nông thôn khác thành thị, lại càng khác đô thị. Gắn với nông thôn là nông dân, là đời sống nông nghiệp. Thay đổi bộ mặt nông thôn hay nói cách khác là xây dựng nông thôn mới (NTM) không đứng ngoài mục tiêu quan tâm đến nâng cao đời sống cho người dân đồng thời phải giữ được cốt cách làng quê Việt Nam.
Cuộc “cách mạng” của toàn dân
Cây đa, bến nước, sân đình… biểu tượng ấy là không gian văn hoá quen thuộc của làng quê Việt Nam. Hồn quê vía đất bao đời bồi tụ làm nên nét riêng đặc biệt - làng xã Việt Nam. Hay đơn giản, “hồn” làng mang sự thâu góp của hình ảnh “Cánh buồm trắng giương to như mảnh hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...”…
Hôm nay ta tiến hành xây dựng NTM, để phát triển đúng hướng và bền vững đòi hỏi đội ngũ thực thi chủ trương lớn ấy phải nhận thức sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa. Nhưng cũng nhất thiết làm rõ, văn hoá làng ở đây là đặc trưng, là hồn cốt chứ không phải là thứ văn hoá “phép vua thua lệ làng”, thứ văn hoá kiểu “chuyện thường ngày ở huyện”…
Ai hưởng lợi khi NTM được thực thi bài bản. Xây dựng NTM trước hết vì lợi ích của dân và xem đây là cuộc cách mạng toàn dân tham gia. Đã là cuộc cách mạng, nó yêu cầu phải có tư duy mới, hành động mới để có cuộc sống mới trong xây dựng NTM. Điều quan trọng nhất là phải làm cho dân hiểu xây dựng NTM chính là xây dựng cuộc sống mới cho mình, cho cả xã hội.
Không phải bây giờ có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì nông dân mới làm mà chúng ta đã làm từ lâu rồi, nay phấn đấu thực hiện cho đạt các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Vậy là, trong quá trình phát triển, cơ sở hạ tầng của nhân dân và của Nhà nước được đầu tư theo hướng hiện đại hơn là điều mong muốn không của riêng ai. Xây dựng NTM cũng vì mục tiêu đó.
Năm năm nhìn lại, đã có biết bao câu chuyện cảm động từ sự chuyển đổi nhận thức của người dân. Trên dải đất hình chữ S thân thương này, câu chuyện người dân sẵn sàng hiến đất, mở đường GTNT, đóng góp ngày công vào các hoạt động ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng... Ở Nam Định, Hưng Yên vẫn còn đó những hình ảnh người dân tự vận động, góp công, góp vốn, góp sức mở mang đường thôn ngõ xóm để xây dựng đường bê tông, làm kè làm cống, chăm sóc thuỷ lợi nội đồng.
Song hiện nay, trong quá trình xây dựng NTM, không ít nơi còn nặng về nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhẹ về nội dung văn hóa, xã hội… Chúng ta xây dựng NTM chứ không phải xây dựng đô thị mới. Xây dựng NTM không chỉ là đầu tư xây dựng các công trình, dự án đầu tư. Để rồi, kết quả là những cái ao, những hàng cây xanh mát, bờ rào… được thay thế bằng những khối bê tông bao kín làng. Trong từng gia đình, nếp nhà truyền thống, nhà cổ… ngày càng vắng bóng.
Xây dựng NTM phải gắn với văn hoá
Nét xưa của cảnh quan, kiến trúc đậm nét làng quê đang có chiều hướng mai một. Không gian xanh dần nhường chỗ cho những khối bê tông, gạch đá trong làng. Rồi cả cánh đồng rộng hàng chục héc-ta, cả tuyến đường trục chính ra đồng dài vài kilômet nhưng không có một bóng mát cho nông dân ngồi nghỉ giải lao… Nếu như thế khi hoàn thành xây dựng NTM thì cảnh quan, văn hóa làng quê không ra nông thôn cũng chẳng ra thành thị…
Ảnh minh hoạ
Xây dựng NTM phải gắn với văn hoá, gắn với đặc trưng từng vùng. Xây dựng NTM ở Hà Nội là một ví dụ. Nông thôn Hà Nội có những hướng xây dựng, mà các vùng nông thôn ở các tỉnh trong cả nước không có hoặc không là những ưu tiên hàng đầu.
Trước hết, nông thôn Hà Nội phải là nông thôn nhanh chóng được hiện đại hóa. Nông thôn Hà Nội phải là nông thôn xanh, không những cho vùng nông thôn mà còn phải xanh cho vùng đô thị, xanh cho toàn Thành phố…
Kiểu một vùng đô thị – nông thôn hiện đại kết hợp hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Trong vùng đô thị có nông thôn và trong nông thôn có chất lượng sống của đô thị. Khi đó, nông thôn vẫn giữ lại kiến trúc làng xã truyền thống, các nét đẹp văn hóa truyền thống (lễ hội, hương ước), và các giá trị xã hội truyền thống (đề cao giá trị gia đình, gắn bó cộng đồng, tôn trọng người già, tôn vinh giáo dục…) được chọn lọc phát huy.
Như vậy, xây dựng NTM được tiến hành trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa làng. Xây dựng NTM là quan tâm đến nâng cao đời sống cho người dân đồng thời phải giữ được cốt cách làng quê Việt Nam. Vấn đề này phải có trong tư duy buổi đầu khi chúng ta bắt tay xây dựng NTM. Có như thế mới giữ được nét đẹp làng quê kiểu mẫu. Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại “linh hồn” cho làng quê Việt.
Mỗi người dân là một chủ thể sáng tạo, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, phát triển kinh tế, tăng thu nhập là đích đến song hành cùng giữ gìn nét văn hoá xóm làng, để “hồn quê” không mất đi trong xây dựng NTM. Vì lẽ đó, xây dựng con người mới là nội dung không thể thiếu khi xây dựng nông thôn mới, giữ nếp làng.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người nông dân phải nắm bắt được khoa học kỹ thuật để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức lối sống, phấn đấu trở thành người có văn hóa thật sự, làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn.
Chương trình xây dựng NTM đã và đang được tiếp tục đẩy mạnh và trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Chương trình đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng NTM.
Nhiều nơi đã xây dựng được mô hình NTM, có cách làm sáng tạo, vận dụng quy định của Trung ương phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; xác định được những điểm trọng tâm, chủ yếu để chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đã xây dựng và phát triển được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Nông thôn mới đã hiện hữu trên khắp các miền quê đất nước. Thực làm, thực cần vì lợi ích của nhân dân... đó sẽ là nền tảng để chúng ta thực hiện xây dựng NTM một cách bền vững, xây dựng NTM gắn với giữ gìn bản sắc văn hoá làng quê.
Hà Giao/ Thời báo doanh nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn